Vậy Brilliance V7 gần đây được nhập về Việt Nam đang gây tranh cãi, liệu rằng nó có mang trong mình "trái tim BMW" thực sự?
Xinchen China Power là công ty con của Brilliance Auto Group (BAG), một hãng xe Trung Quốc liên doanh với BMW. Xinchen có hai hoạt động chính: Lắp ráp và hoàn thiện động cơ cho xe BMW bán ra tại đại lục, đồng thời sản xuất những động cơ dành riêng cho thương hiệu xe Brilliance.
Đối với xe BMW, Xinchen lắp ráp dòng động cơ BMW mã N20 dưới dạng CKD để cung cấp ngược lại cho đối tác. Đây là một trong những dòng động cơ tăng áp nổi tiếng và tin cậy nhất của BMW. Còn động cơ mà BMW đồng ý bán bản quyền cho Xinchen sử dụng trên xe Brilliance thì đã được phát triển từ cách đây tới 18 năm – BMW Prince (N13). Trong bất kỳ một liên doanh xe hơi nào, bí mật công nghệ luôn là thứ được các hãng xe non trẻ thèm khát và sẵn sàng chi trả để có được thay vì dồn nguồn lực và mất rất nhiều thời gian để tự nghiên cứu, phát triển. Ở chiều ngược lại, các hãng xe hàng đầu như BMW sẽ không chia sẻ những nền tảng công nghệ mới nhất, bởi như thế chẳng khác nào tự bắn vào chân và đánh mất đi lợi thế cạnh tranh then chốt.
Vậy để cân bằng giữa lợi ích kinh tế, các cam kết ràng buộc trong liên doanh với việc duy trì khoảng cách kỹ thuật, hai bên lựa chọn N13. Thực tế BMW đã ngừng sử dụng dòng động cơ này từ năm 2015, với hãng xe xứ Bavaria, nó không còn mang nhiều ý nghĩa. N13 ban đầu thuộc dự án chế tạo giữa BMW và hãng xe nước Pháp PSA (hãng mẹ Peugeot) từ 2002. Thời điểm đó PSA rất có kinh nghiệm thiết kế những động cơ cỡ nhỏ, còn BMW mang đến nền tảng công nghệ van biến thiên điện tử hay tăng áp cuộn kép. Sau 9 năm chính thức được đưa vào sản xuất, N13 đã hoàn thành sứ mệnh trên những chiếc BMW thế hệ cũ.
Hợp đồng nhượng quyền của BMW cho Xinchen giống như một người chơi xe lên đời, bán lại chiếc xe hiện tại cho người hỏi mua. BMW chuyển giao toàn bộ công nghệ của "Hoàng tử" N13 cho Xinchen với giá 9,72 triệu Euro (tương đương 10,6 triệu USD hiện nay), kèm theo điều kiện mỗi chiếc xe sử dụng động cơ dựa vào công nghệ của N13 mà Brillance bán ra, BMW phải có thêm 100 USD nữa, theo website của Xinchen.
Hết 2015, muốn tiếp tục sử dụng, Brillance phải ký hợp đồng gia hạn. Có được nguyên mẫu N13, Xinchen phát triển thành CE16 và biến thể nâng cao CE18 gia tăng công suất. Hiện tại các mẫu Brilliance V7 được lắp ráp một trong hai động cơ này, tùy vào lựa chọn công suất đầu ra. Như vậy, về bản chất dòng động cơ CE của Xinchen chỉ được tùy biến và phát triển dựa vào công nghệ của động cơ BMW N13 chứ BMW hoàn toàn không chịu trách nhiệm liên quan tới khâu sản xuất và kiểm soát chất lượng. Từ một động cơ dành cho truyền động cầu sau, Xinchen còn phải thiết kế lại cho truyền động cầu trước trên chiếc V7.
Thực ra bán bản quyền động cơ chỉ là một nhánh nhỏ trong hoạt động kinh doanh B2B Licensing Business của BMW. Cơ bản, BMW Group có thể giúp đối tác tạo nên cả một chiếc xe với các thành phần chính khác ngoài động cơ như thân xe, các cấu kiện riêng lẻ và cả quy trình sản xuất. Lợi ích lớn nhất mà các hãng xe non trẻ có được là giảm đáng kể thời gian phát triển cũng như chi phí bằng việc áp dụng lại quy trình sản xuất đã được kiểm nghiệm trước đó của BMW nhưng phải là dưới tên thương hiệu của chính hãng xe đó.
Và những mỹ từ mà các nhà kinh doanh thường hay lập lờ để tạo thêm niềm tin cho khách hàng như "động cơ BMW, phát triển bởi BMW..." đều chưa thể chính xác.
Câu trả lời thỏa đáng nhất cho tranh luận "Brilliance V7 có được lắp động cơ BMW thực sự?" đơn giản hơn chúng ta nghĩ nhiều. Hãy mở nắp capo chiếc xe lên, bạn sẽ thấy dòng chữ: "Supported by BMW Group Technology" – Được hỗ trợ công nghệ bởi tập đoàn BMW.
Rõ ràng BMW không làm ra động cơ trên V7. Còn sự hẫu thuận công nghệ của BMW có được Brilliance thưc hiện xuất sắc hay không thì thời gian mới cho chúng ta câu trả lời.