Xe nhập khẩu vào Việt Nam được 'cởi trói'

Tiểu Long

Chuyên gia
Ngày 5/2, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2020, sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định 116/2017 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Trong đó, yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) không còn.
VTA là "giấy thông hành" từng khiến nhiều hãng xe tại Việt Nam không kịp xoay sở để có vào cuối 2017, đầu 2018, thị trường xe nhập vì thế gần như đóng băng. Yêu cầu từ phía Việt Nam thậm chí khiến chính phủ Thái Lan, Indonesia, những nước trước đó chưa từng cấp giấy VTA phải lo liệu để có vì không muốn mất nguồn thu từ xuất khẩu xe sang nước láng giềng. 
Ngoài việc bãi bỏ yêu cầu giấy VTA, Nghị định 17 cũng nới lỏng thủ tục thông quan cho xe nhập khẩu. Việc đánh giá chất lượng kiểu loại với mẫu đại diện của các lô xe giống nhau về nhiều đợt có tần suất đánh giá tối đa 36 tháng. Trước đó, mỗi lô xe nhập khẩu về nước đều phải được kiểm tra chất lượng kiểu loại với mẫu đại diện dù lô sau giống hệt lô xe trước.
Như vậy với quy định mới, thủ tục và yêu cầu khai báo, thông quan đối với xe nhập khẩu trở nên đơn giản hơn. Điều này có thể khiến thời gian thông quan được rút ngắn, giảm chi phí kiểm tra, thử nghiệm, lưu kho cho các hãng xe nhập khẩu.
o-to-nhap-khau-8-1.jpg

Khi mới ban hành, Nghị định 116 được đánh giá là hàng rào phi thuế quan để kiểm soát lượng xe nhập có thể ồ ạt tràn về Việt Nam khi thuế suất nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á áp dụng mức 0% từ 2018. Tuy vậy, khi các thủ tục thông quan, đặc biệt giấy VTA được các hãng cung cấp, việc hạn chế xe nhập khẩu dường như chỉ trên lý thuyết. Lượng xe về Việt Nam không ngừng tăng về lượng từ 2018, cán cân cạnh tranh giữa xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước không còn chênh lệch lớn.
Sếp một hãng xe Nhật tại Việt Nam đánh giá: "Nghị định 116" là để siết chặt việc kiểm tra chất lượng với xe nhập khẩu. Và khi nó hoàn thành sứ mệnh là khiến các hãng phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chí của cơ quan quản lý đặt ra, giấy chứng nhận VTA hay vài yếu tố khác không còn cần thiết".
Trái ngược với các hãng Nhật mất nhiều thời gian để có giấy VTA, nhiều hãng xe Đức như Mercedes, Porsche, Trường Hải (BMW), Volkswagen, Audi tỏ ra bình thản khi cho biết có thể lo liệu được. Tuy nhiên, với các thủ tục thông quan khắt khe hơn, xe nhập khẩu từ châu Âu chủ yếu các dòng hạng sang không ồ ạt về Việt Nam như trước thời điểm Nghị định 116 ban hành. Nhiều hãng xe phải lùi thời gian giao xe cho khách so với dự kiến.
Đại diện một hãng xe Đức tại Việt Nam cho biết "Bỏ VTA hay một vài thủ tục khác trong Nghị định 17 với chúng tôi cũng không ảnh hưởng quá lớn, vì đó không phải là những yêu cầu mới khiến hãng xe phải đi tìm như Nghị định 116. Có chăng là thời gian thông quan rút ngắn hơn".
Hỗ trợ và khuyến khích sản xuất trong nước là ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam. Tuy nhiên khi gia nhập sân chơi quốc tế, việc cạnh tranh là không thể tránh khỏi và Nghị định 116 chỉ hạn chế thời gian đầu chứ không thể là bức tường ngăn lại làn sóng của xe nhập. 
Một quy định mới trong Nghị định 17 là việc tạm dừng hiệu lực, thu hồi giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô trong sáu tháng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu và tạm nhập ôtô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi hết sáu tháng, các doanh nghiệp phải khắc phục và thực hiện các thủ tục theo quy định mới được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu trở lại.
duong-luoi-bo-xe-trung-quoc-vn-7597-4652-1581998975.jpg
Một mẫu Zotye nhập khẩu Trung Quốc có bản đồ đường lưỡi bò xuất hiện tại Việt Nam hồi tháng 10/2019. Ảnh: Mạnh Đức[/i]
Trong 2019, một số mẫu xe nhập khẩu từ Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam có bản đồ định vị "đường lưỡi bò", tạo nên nhiều bức xúc cho khách hàng trong nước. Quy định mới được cho mang tính răn đe đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, tránh để sự việc này tái diễn.
Nghị định 17 cởi mở hơn với xe nhập khẩu chưa qua sử dụng nhưng với ôtô lướt, các quy định của Nghị định 116 trước đó vẫn không thay đổi. Để nhập khẩu mặt hàng này, các doanh nghiệp ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa đủ tiêu chuẩn, còn phải có giấy xác nhận của hãng xe ở nước ngoài về việc triệu hồi xe nhập khẩu ở Việt Nam. Bên cạnh đó là cam kết của hãng xe nước ngoài về việc hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp linh, phụ kiện cho showroom kinh doanh.
Theo Thành Nhạn (Báo điện tử VnExpress.net)
 
Back
Top