Xe máy ế ẩm kéo dịch vụ "chết" theo

baoduy-autodaily

Thành viên tích cực
Ế ẩm, nhiều đại lý xe máy tính chuyện đóng cửa
“Nếu ế ẩm kéo dài thêm thì từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều đại lý xe máy phải đóng cửa…” Đó là nhận định của anh Nguyễn Mạnh Hùng, Quản lý đại lý do Honda Việt Nam uỷ nhiệm, tại 18 Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội. “Trong hơn 10 năm trong nghề kinh doanh buôn bán xe máy tôi chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường, nhưng chưa bao giờ thấy ế ẩm và bán xe chậm như hiện nay, dù đã được cảnh báo trước nhưng không ai nghĩ ế ẩm đến mức này". 
Theo anh Hùng, phần lớn các mẫu xe Honda hiện nay đều được bán dưới giá niêm yết và đi kèm với nhiều gói khuyến mãi hấp dẫn của cả đại lý và công ty nhưng vẫn ế dài. 
xemay.jpg
Dịch vụ dán nilon xe máy ế khách[/i]
"Bây giờ chuyện cả ngày một đại lý lớn như chúng tôi không bán được xe nào xảy ra như cơm bữa, trong khi đó các khoản chi phí để nuôi sống đại lý lại không giảm đi mà tăng cao hơn như: tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước, nhân công… Để “gồng mình” chống chọi với thời buổi khó khăn, chúng tôi đã cắt giảm tối đa chi phí, giảm nhân công , nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, nếu thị trường ế ẩm kéo dài thêm đại lý sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa…”- anh Hùng nói.
Dịch vụ dán nilon xe máy ế khách
Chị Thu Hường, chủ đại lý xe đạp điện 18 Khâm Thiên, chỉ vài tháng trước đây cửa hàng này là Honda Khâm Thiên cho biết: “Ế ẩm quá nên các đại lý xe máy nhỏ lẻ như chúng tôi buộc phải đóng cửa, nhu cầu người dân chuyển sang xe đạp điện nên mình cũng chuyển sang kinh doanh mặt hàng này, dù sao vẫn dễ sống hơn so với kinh doanh một mặt hàng hoàn toàn mới...” .
Chị Hường nhẩm tính: Giá trung bình cho việc thuê mặt bằng của một đại lý xe máy hiện nay ở Hà Nội dao động từ 50 -80 triệu đồng, trong đó nhân viên bán hàng, kỹ thuật viên, bảo vệ… nếu ít cũng từ 10 – 15 người thì tiền lương chi trả cho số nhân viên này cũng mất từ 100 – 150 triệu đồng, ngoài ra các đại lý còn phải chi hàng chục khoản tiền khác mỗi tháng như: thuế, phí, điện, nước… Do đó, một đại lý nhỏ cần bán ít nhất 150 xe/tháng mới có thể duy trì không bị lỗ vốn; các đại lý lớn hơn thì cần phải duy trì con số bán ra cao hơn từ 300 – 400 xe/tháng. Tuy nhiên, con số này đã không thể thực hiện được trong nhiều tháng qua do sức mua giảm mạnh, kể cả thời điểm trước Tết Nguyên đán vừa qua cũng ít có đại lý xe máy nào đạt được… Vì thế, không khó bắt gặp nhiều mẩu tin rao bán, sang nhượng đại lý xe máy chính hãng và cả không chính hãng trên nhiều trang rao vặt trên Internet.
Trên thực tế, trong thời gian qua nhiều đại lý xe máy Honda tại Hà Nội đã được bán lại như Head Vĩnh Tuy (Long Biên), Quốc Oai, Hà Đông, Cầu Giấy... Hiện một số đại lý khác vẫn tiếp tục rao bán với giá từ 3 - 5 tỷ đồng do thua lỗ kéo dài, nhưng xem ra rất khó bán do các nhà đầu tư không thích mạo hiểm, cho dù vài năm trước để mở một đại lý xe máy chính hãng là cực kỳ khó, ngoài có các mối quan hệ cần phải chi trên  dưới 10 tỉ đồng.
Các dịch vụ "chết" theo…
Các dịch vụ tân trang, làm đẹp, sửa chữa xe máy ở Hà Nội trước đây thuộc dạng “vứt đâu cũng sống được” như: dán nilon xe, sơn, đánh bóng xe, tân trang, làm đẹp xe… nay đang thưa thớt dần. 
Gặp anh Lê Văn Triển, chủ cửa hàng dán nilon xe máy 23 Cao Bá Quát, Hà Nội những ngày đầu tháng 4 nghe anh tâm sự với nét mặt đượm buồn: “Mình và cả gia đình, cộng thêm một đội thợ 5 người cả học nghề kéo quân từ Phú Xuyên ra đây từ năm 2005, đã ngót nghét 10 năm nhưng lúc nào cũng sống khoẻ và dư giả để chi trả các khoản tiền hàng tháng như: tiền thuê cửa hàng 8 triệu đồng, tiền thuê nhà ở 4 triệu đồng, tiền lương nhân viên 5 người 25 triệu đồng, và các khoản điện nước, thuế má…, ngoài ra còn nuôi thêm 2 cháu nhỏ ăn học ở Hà Nội.  Chỉ 2 năm trước thôi, thợ làm không hết việc, thậm chí còn làm cả tối do nhiều khách chờ, xe máy mới cứ nườm nượp tới dán xe, các ngày thứ 7 và chủ nhật thì không có thời gian nghỉ. Nhưng chỉ hơn năm nay thôi khách hàng vắng hẳn, khách mua xe ít, đương nhiên dán xe cũng ít đi".
Anh Triển cho hay, dù biết đây là khó khăn chung do kinh tế suy thoái nhưng vẫn rất buồn vì một vài ngày tới anh và gia đình phải chia tay Hà Nội trở về quê tìm hướng kinh doanh mới, cửa hàng nhượng lại cho một người em họ ở quê...
Trần Nam Trung, chủ một tiệm sơn xe trên phố Trần Phú, Hà Nội cho biết: “Sáng dọn hàng ra, tối lại bê đồ vào” đó là điệp khúc tái diễn nhiều lần từ sau Tết đến nay. Ế ẩm và nguy cơ đóng cửa bất cứ khi nào. Theo Trung, hiện có rất nhiều dịch vụ kinh doanh “ăn” theo thị trường xe máy, họ chỉ ăn nên làm ra khi thị trường đi lên, khi ế ẩm như hiện nay đành phải chờ đợi nếu như chưa nghĩ được hướng làm ăn mới. Anh nói tếu táo: “Tuần trước có ông khách quen đi xe ra mua sơn, thấy xe họ xước sát nhiều quá gạ sơn lại với giá hữu nghị nhưng cũng không đắt do khách hàng thắt chặt chi tiêu…” 
Còn theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy trên phố Huế, Thịnh Yên, Nguyễn Công Trứ… lượng khách mua phụ tùng hiện giảm mạnh hơn nhiều so với mọi năm, nhiều cửa hàng đã ngừng nhập hàng về từ sau Tết nhưng hàng cũ vẫn nằm yên một chỗ, có lẽ trong số này, nhiều chủ cửa hàng đang nghĩ tới việc chuyển sang kinh doanh một mặt hàng mới….
Theo VnMedia.vn
 
Back
Top