Thách thức 1: Xóa bỏ phát thải CO2 trên các mẫu xe mới
Trong bối cảnh nhiệt độ Trái Đất ấm lên gây ra nhiều diễn biến thời tiết và thiên tai phức tạp, nhằm chung tay cùng thế giới nỗ lực giữ nhiệt độ Trái Đất ổn định thông qua việc giảm thiểu phát thải và hấp thụ khí CO2; Toyota đã quyết định đưa ra mục tiêu thách thức sẽ giảm thiểu 90% khí thải CO2 vào năm 2050 so với mức trung bình của Toyota toàn cầu vào năm 2010. Để thực hiện mục tiêu dài hạn này, Toyota đặt ra các mục tiêu trong ngắn hạn như sau:
- Đạt doanh số bán toàn cầu hàng năm là 30,000 xe chạy pin nhiên liệu vào khoảng năm 2020. Tại Nhật Bản, bán ít nhất 1,000 xe/1 tháng (hơn 10,000 xe/1 năm).
- Giới thiệu và kinh doanh xe buýt sử dụng pin nhiên liệu với số lượng nhỏ vào năm 2017, tập trung tại Tokyo; lên kế hoạch bán ra trên 100 xe buýt sử dụng pin nhiên liệu trước Thế vận hội Olympics và Thế vận hội người khuyết tật mùa hè Tokyo 2020.
- Đạt doanh số bán 1.5 triệu xe Hybrid mỗi năm và doanh số cộng dồn của các mẫu xe Hybrid đạt 15 triệu xe vào năm 2020.
- Giảm phát thải khí CO2 của các mẫu xe mới 22% vào năm 2020, so với mức trung bình Toyota toàn cầu năm 2010.
Thách thức 2: Xóa bỏ phát thải CO2 trong toàn bộ vòng đời xe
Toyota cam kết sẽ xóa bỏ triệt để khí thải CO2 không chỉ trong quá trình vận hành hay sản xuất ra sản phẩm, mà là lượng khí thải CO2 trong toàn bộ vòng đời của phương tiện, ngay từ quá trình sản xuất nguyên vật liệu, đến quá trình tiêu hủy hay tái chế phương tiện. Để thực hiện thách thức này, Toyota đưa ra các mục tiêu trong ngắn hạn:
- Giảm thiểu khí thải CO2 trên toàn bộ vòng đời phương tiện, bao gồm nguyên vật liệu, phụ tùng và quá trình sản xuất.
- Phát triển thiết kế sử dụng các nguyên vật liệu với lượng khí thải CO2 thấp, giảm thiểu lượng nguyên vật liệu và phụ tùng sử dụng nhằm giảm thiểu lượng khí thải CO2 ra trong quá trình sản xuất.
- Đẩy mạnh sử dụng các nguyên vật liệu sinh học tái chế cho sản xuất, thiết kế để việc tháo dỡ và tái chế được dễ dàng.
Thách thức 3: Nhà máy không thải CO2
Khí CO2 không chỉ được sản sinh trong quá trình vận hành các phương tiện cơ giới, nó cũng được sản sinh ra từ quá trình sản xuất lắp ráp. Vì vậy, Toyota đưa ra mục tiêu thách thức sẽ xóa bỏ hoàn toàn khí thải CO2 tại toàn bộ hệ thống nhà máy Toyota trên toàn cầu vào năm 2050.
Cụ thể để thực hiện mục tiêu thách thức này, Toyota sẽ giảm thiểu lượng khí thải CO2 thông qua việc không ngừng đổi mới cải tiến công nghệ cũng như áp dụng các phương thức sản xuất với lượng CO2 thấp nhằm đảm bảo giảm thiểu lượng khí thải CO2 tại công đoạn sản xuất mỗi mẫu xe trong các nhà máy và dây chuyền lắp ráp mới.
Cụ thể, Toyota cam kết:
- Giảm phát thải CO2 từ các công đoạn sản xuất xe mới từ các nhà máy và dây chuyền sản xuất mới xuống bằng ½ so với mức của năm 2001 vào năm 2020; bằng 1/3 vào năm 2030; đồng thời tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và công nghệ sản xuất sử dụng năng lượng Hydro để xóa bỏ hoàn toàn CO2 vào năm 2050.
- Phát triển công nghệ sản xuất sử dụng Hydro làm nguồn năng lượng chủ yếu, và thử nghiệm dây chuyền sản xuất xe pin nhiên liệu FCV vào khoảng năm 2020.
- Sử dụng năng lượng gió tự cung ứng vào sản xuất tại nhà máy Tahara vào khoảng năm 2020.
- Đảm bảo lượng khí thải CO2 từ các công đoạn sản xuất xe mới tại nhà máy mới ở Mexico giảm thấp hơn 40% so với mức trung bình toàn cầu năm 2001 khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động năm 2019.
- Sử dụng nguồn điện tái tạo tự sản xuất tại các nhà máy ở Brazil từ năm 2015.
Thách thức 4: Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước
Theo như dự đoán, dân số thế giới sẽ đạt mức 9.1 tỷ người trong năm 2050, nhu cầu sử dụng nước tăng thêm 55% so với hiện tại, theo đó, lượng người dân phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sẽ tăng lên 40%. Đối với hoạt động sản xuất xe hơi, nước được sử dụng trong nhiều công đoạn sơn, rèn dũa và nhiều công đoạn khác. Vì thế, việc giảm ảnh hưởng xấu đến môi trường nước là vô cùng quan trọng. Nhận thức được điều này, Toyota sẽ đẩy mạnh công tác xử lý nước thải hiệu quả và tối thiểu hóa lượng nước sử dụng, thông qua các hoạt động như:
- Giảm lượng nước sử dụng trong các công đoạn sản xuất hiện tại, áp dụng công nghệ mới tiết kiệm nước công nghiệp thông qua tận dụng nước mưa, thanh lọc triệt để nước thải tại nhà máy và tái sử dụng,
- Cải thiện môi trường đảm bảo nguồn nước thải nhà máy sạch hơn so với nước sông hồ tại mỗi vùng miền.
Thách thức 5: Xây dựng xã hội dựa trên nền tảng tái chế
Cùng với sự gia tăng dân số toàn cầu, áp lực tăng trưởng kinh tế và cuộc sống tiện nghi hơn, việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên đang liên tục tăng lên, gây ra sự cạn kiệt trong nguồn tài nguyên thiên nhiên. Từ đó, Toyota cam kết thực hiện:
- Sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên vật liệu bằng cách: (1) Tận dụng các nguyên nhiên liệu thân thiện với môi trường; (2) Kéo dài tuổi thọ linh kiện; (3) Phát triển các công nghệ tái chế; (4) Sản xuất xe từ các nguyên vật liệu của các phương tiện đã hết thời hạn sử dụng.
- Đẩy mạnh nghiên cứu và giới thiệu các công nghệ xử lý và tái chế phương tiện, thông qua 2 dự án sẽ được thực hiện trong năm 2016:
+ Dự án xây dựng 100 cơ sở tiêu hủy xe hơi toàn cầu Toyota nhằm xây dựng các cơ sở tiêu hủy an toàn và thân thiện với môi trường được chứng nhận bởi Toyota.
+ Dự án tái sử dụng xe toàn cầu Toyota với công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản nhằm tái sử dụng nguồn nguyên vật liệu từ xe đã tiêu hủy, vào hoạt động sản xuất xe mới.
Thách thức 6: Xây dựng một xã hội tương lai hòa hợp với thiên nhiên
Hiện nay, hành động tàn phá rừng đang tiếp diễn trên khắp thế giới, vì thế hằng năm, một diện tích lớn tài nguyên rừng - tương đương với 14% diện tích Nhật Bản đang mất đi. Để thực hiện mục tiêu “làm giàu hơn nữa đời sống của cộng đồng” và xây dựng một tương lai hòa hợp với thiên nhiên, Toyota cùng toàn bộ chi nhánh trên toàn thế giới sẽ đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn cầu, các hoạt động giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường. Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc triển khai 3 dự án toàn cầu “hướng tới tương lai” trong năm 2016:
- Dự án Làn Sóng Xanh Toyota – kết nối mọi địa phương: hướng tới kết nối chính quyền và doanh nghiệp, các nhà cung cấp và các công ty kinh doanh,… tại mỗi địa phương tại mỗi quốc gia trên toàn thế giới chung tay bảo vệ môi trường;
- Dự án Ngày hôm nay cho Ngày mai – kết nối với thế giới: một dự án nhằm kết nối mọi doanh nghiệp toàn cầu với cùng một mục tiêu chung tay bảo vệ môi trường trên toàn thế giới.
- Dự án giáo dục phát triển bền vững Toyota nhằm hỗ trợ truyền tải các kiến thức cần thiết bảo vệ môi trường. Hiện nay, một Trung tâm đào tạo môi trường đã được xây dựng tại Trung Quốc, tiếp đó một trung tâm tại Thái Lan cũng đã được thành lập.
T.A (Trithucthoidai)