Tata Nano – mẫu xe ôtô rẻ nhất thế giới sắp bị khai tử

lehung-autodaily

Administrator
“Cái chết” của mẫu ôtô rẻ nhất thế giới được chứng minh qua số lượng sản xuất. Cụ thể, hãng ôtô Tata của Ấn Độ chỉ sản xuất duy nhất một chiếc Nano trong tháng 6/2018, sụt giảm đáng kể so với con số 275 xe cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí không có xe nào xuất khẩu, trong khi tháng 6/2017 là 25 xe. Trước tình hình này, hãng xe Ấn Độ cũng phải từng thừa nhận rằng, mẫu xe với giá 3.500 USD này “không thể sống sót sau năm 2019”.
ar-180719949.jpg

Sự “ra đi” của “mẫu xe hơi bình dân” – được Tata Motors lần đầu ra mắt năm 2008 – đã trở thành bài học đắt giá cho bất kỳ hãng xe nào muốn làm điều tương tự ở Ấn Độ. Trong khi người tiêu dùng quan tâm tới giá trị sản phẩm, thì việc cắt giảm chi phí “đến tận xương tủy” để theo đuổi danh tiếng sẽ trở nên vô nghĩa, nếu kết quả cuối cùng chỉ là một chiếc xe bị xếp hạng hai, thậm chí có nguy cơ cháy nổ.
Sự thất bại của Nano đối lập hoàn toàn với phần còn lại của thị trường xe hơi Ấn Độ. Từ xe máy tới xe con và xe tải, sự tăng trưởng ở mỗi phân khúc đều rất ấn tượng. Cụ thể, kết thúc tháng 6 vừa qua, lượng tiêu thụ xe du lịch tăng 38%, xe thương mại cải thiện 42%, trong khi dòng xe 2 bánh chiếm ưu thế trên thị trường cũng tăng 22%. Maruti Suzuki, hãng ôtô lớn nhất Ấn Độ, công bố mức tăng trưởng hơn 40%. Thậm chí ở một phân khúc khá mới mẻ là xe 4 bánh có trọng lượng dưới 475 kg (quadricycle) cũng cho thấy dấu hiệu đi lên.
tata.jpg

Mặc dù không mấy mặn mà với phân khúc xe điện hay phương tiện di chuyển tương lai và xe tự lái, nhưng các nhà sản xuất xe hơi Ấn Độ vẫn nỗ lực đổi mới và sáng tạo để đạt được những cải tiến nhất định. Tuy nhiên, Nano – vốn được ca ngợi là “dấu mốc quan trọng trong dòng xe hơi giá rẻ”, lại là một sản phẩm không đạt chuẩn an toàn, chậm cập nhật công nghệ và có những kết quả thử nghiệm va chạm gây nghi vấn.
Nhưng Tata vẫn nuôi hy vọng vực dậy Nano. Người phát ngôn của tập đoàn này cho biết, Nano “có thể cần những khoản đầu tư mới để sống sót”. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy, việc kiên trì theo đuổi mục tiêu giá rẻ đã dẫn tới sai lầm. Trên thực tế, Ấn Độ là một thị trường với ít mẫu mã nhưng số lượng nhiều, khách hàng tập trung vào giá trị. Do đó, họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để có được một sản phẩm giá trị chứ không phải một chiếc Nano giá rẻ và kém chất lượng.
2015-tata-motors-genx-nano-amt-review-03.jpg

Hiện nay, cuộc cạnh tranh về giá vẫn chưa xảy ra tại Ấn Độ bất chấp số lượng sản phẩm lớn. Theo phân tích của Nomura Holdings Inc, thị trường xe hơi Ấn Độ vẫn được đánh giá là có triển vọng sinh lời cao nhất toàn cầu. Chẳng hạn như Hyundai Motor Co có thị phần lớn thứ hai sau Maruti Suzuki. Cùng với việc tăng chi phí, hãng xe Hàn cũng tăng giá bán nhiều mẫu xe. Và sau vài thập kỷ có mặt tại Ấn Độ, hãng đang dần định hình lại vị thế là một thương hiệu cao cấp ở thị trường đông dân thứ 2 thế giới này.
tata-nano-dashboard.jpg

Maruti Suzuki cũng đang đi theo quỹ đạo tương tự. Hãng bắt đầu tung ra những mẫu xe cao cấp hơn. Theo đó, các mẫu xe Baleno, DZire và Brezza hiện có tổng doanh thu cao hơn so với những dòng xe phổ thông Alto và Wagon-R. Ngoài ra, Maruti Suzuki cũng đang tăng sản lượng và vừa tuyên bố có thể sản xuất thêm 750.000 xe trong vòng hai năm tới tại nhà máy ở Gujarat.
Vị thế thống lĩnh thị trường Ấn Độ của Maruti Suzuki từng bị lung lay khi Volkswagen AG và nhiều hãng xe nước ngoài khác chen chân vào miếng bánh béo bở này. Trong năm 2011 và 2014, doanh số của hãng đã giảm lần lượt 40% và 45%. Và điều này có thể lặp lại nếu Maruti Suzuki không tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
Về phần Nano, ý tưởng về việc biến mẫu xe này trở thành một chiếc ôtô chạy điện cũng từng được đưa ra, nhưng cuối cùng vẫn đi vào ngõ cụt. Rào cản lớn nhất đối với việc sản xuất xe điện là chi phí cao, trong khi việc tạo ra công nghệ tương xứng là không phù hợp với một thương hiệu giá rẻ. Ngoài ra, việc chính phủ Ấn Độ không sẵn sàng hỗ trợ các dự án xe điện cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hãng xe chưa dám dấn thân vào phân khúc gai góc này.
Sau một thập kỷ "làm mưa làm gió" trên thị trường, giá của một chiếc Nano ban đầu là gần 2.000 USD và hiện nay là 3.500 USD. Ra đời với mục tiêu đáp ứng nhu cầu nội địa với mức giá rẻ nhất thế giới, nhưng mẫu xe này đang đứng trước nguy cơ bị khai tử khi không còn là sản phẩm được ưa chuộng.
Đinh Giang (Forum.autodaily.vn)
 
Back
Top