Rẻ nhất thị trường xe mới hiện nay, Kia Morning bản MT giá 290 triệu, khi ấy nếu khách hàng mua xe ở Hà Nội sẽ giảm được 17,4 triệu so với trước đây. Trong khi đó, ở phân khúc xe sang tiền tỷ, ví dụ một mẫu Mercedes giá 2 tỷ, khách hàng được giảm 120 triệu.
Mức thay đổi đáng kể trong chi phí lăn bánh sẽ ảnh hưởng nhiều tới các quyết định mua xe của khách hàng. Theo các chuyên gia, thị trường sẽ có những chiều biến đổi như dưới đây.
Thị trường xe mới
Khi xe lắp ráp được giảm 50% lệ phí trước bạ, thị trường xe mới sẽ xoay chuyển theo ba hướng như sau: chuyển từ xe nhập khẩu sang lắp ráp, chuyển từ bản thấp lên bản cao cùng một xe và chuyển từ xe phân khúc dưới lên phân khúc trên.
Ở hầu hết các phân khúc hiện nay đều có cuộc cạnh tranh giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu. Ví dụ cỡ A Wigo nhập khẩu, trong khi i10, Morning, Fadil lắp ráp. Khoảng 30 triệu tiết kiệm được khi mua xe sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định mua hàng, một chuyên viên bán xe lâu năm phân tích. Ở phân khúc này, người mua hầu hết là lần đầu, có mức thu nhập không cao nên bị ảnh hưởng nhiều bởi sự thay đổi giá bán.
Tương tự như vậy ở các phân khúc trên, Civic nhập Thái sẽ phải cạnh tranh Mazda3, Elantra lắp trong nước vốn đã có lợi thế hơn hẳn về giá. Trong khi đó, Fortuner lắp trong nước sẽ càng có ưu thế hơn so với Everest nhập khẩu. Số tiền tiết kiệm được khi mua xe lắp ở phân khúc trên 1 tỷ là hơn 60 triệu đồng (ở Hà Nội) hoặc 50 triệu (ở TP HCM).
Bên cạnh việc cân nhắc chuyển từ xe nhập sang xe lắp, khách hàng cũng có thể phân vân chuyển từ bản thấp lên bản cao, đặc biệt với các xe ở phân khúc nhỏ. Khoảng cách giá giữa các phiên bản thường nằm trong ngưỡng 30-50 triệu, cũng bằng chính số tiền có thể tiết kiệm khi mua xe lắp giảm 50% lệ phí trước bạ.
Ví dụ: Vios G đắt hơn E chỉ 25 triệu, Kia Cerato Luxury đắt hơn Deluxe chỉ 35 triệu và thậm chí CX-5 Luxury cũng đắt hơn Deluxe mức 40 triệu, ít hơn số tiền tiết kiệm được từ phí trước bạ.
Một xu hướng khác là chuyển từ xe phân khúc dưới lên phân khúc trên. Ví như Vios G phân khúc B giá 570 triệu, trong khi Cerato 1,6 Deluxe ở phân khúc C chỉ ở mức 589 triệu, tức cao hơn 19 triệu. Hoặc chuyển từ Vios lên xe gầm cao là EcoSport giá 648 triệu (thực tế giao dịch khoảng 605 triệu).
Tuy vậy, nhân viên bán hàng cũng cho rằng vẫn có một nhóm khách không thay đổi quyết định mua xe nào, bởi với họ đơn thuần "giảm được càng nhiều càng tốt". Minh Khang, một tư vấn bán hàng xe Mercedes cho biết, khách hàng của anh định mua Mercedes C180 trong tháng 5, nhưng khi nghe tin sắp giảm trước bạ, chị không đổi xe, mà chờ sang tháng 6 để tiết kiệm hơn.
Không chỉ xe phổ thông mà xe sang cũng chịu ảnh hưởng, thậm chí lớn hơn. Ưu thế thuộc về Mercedes vì đây là nhãn duy nhất lắp ráp xe ở Việt Nam. Trước nay nhờ lợi thế này xe Mercedes thường rẻ hơn các đối thủ cùng phân khúc, nếu thêm giảm 50% trước bạ hãng xe Đức càng hưởng lợi trước các đối thủ thuần nhập như BMW, Audi, Lexus, Volvo.
Thanh Tuấn 35 tuổi, trưởng nhóm bán hàng một đại lý Mercedes lấy ví dụ: chiếc GLC200 4Matic giá 2,039 tỷ, trong khi cùng phân khúc BMW X3 tiêu chuẩn giá 2,499 tỷ, Lexus NX200T là 2,56 tỷ. Mức chênh giữa GLC200 với xe nhập khẩu là từ 500 triệu đồng và có những mẫu đến cả tỷ đồng tùy chính sách của các bên theo thời điểm.
Thị trường xe cũ
Giảm phí trước bạ cho xe mới lắp ráp sẽ khiến xe mới rẻ đi đáng kể, kéo theo xe cũ cũng phải giảm giá. Bởi cùng một số tiền, khách dự định mua xe cũ thì giờ đây có thể chọn xe mới. Văn Phúc, 35 tuổi, Hà Nội có một showroom xe cũ chia sẻ: "Khách hàng có thể chuyển sang mua xe mới, chuyển sang mẫu xe khác vì cùng khung tiền có thể mua được chiếc xe cao cấp hơn hoặc cùng xe nhưng đời cao hơn".
Thông thường, với xe phổ thông dưới 5 năm, mức chênh giữa mỗi đời xe là khoảng 30-50 triệu, nhóm này chịu tác động nhiều bởi giá xe mới nên cũng phải giảm theo. Ngược lại, với xe sử dụng trên 5 năm đã hết mức khấu hao, sự ảnh hưởng sẽ không nhiều, Văn Phúc phân tích.
Nhu cầu của khách mua xe thay đổi không chỉ ảnh hưởng tới showroom buôn xe cũ mà tác động cả tới người tiêu dùng muốn bán xe đang đi để đổi xe khác. Thanh Vy, 37 tuổi, Hà Nội, muốn bán chiếc Accent 2012 để đổi sang Tucson. Vài ngày trước, chị được định giá mua khoảng 350 triệu, nhưng sắp tới có thể Vy chỉ bán được ở mức 320-330 triệu. Vy đứng trước hai lựa chọn, chấp nhận bán cắt lỗ, hoặc để đi tiếp sang 2020 tính sau, khi không còn ưu đãi trước bạ, nhưng lúc ấy xe cũng "rớt" thêm một đời.
Có nhiều dự báo về những thay đổi của thị trường ôtô, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn, mức giảm chi phí nhờ trước bạ cũng chưa hẳn là một công cụ quá hiệu quả để vực dậy doanh số ngành. Bên cạnh đó, khách hàng chờ đợi những chính sách có thể thay đổi mức giá xe ổn định trong thời gian dài, chứ không chỉ là những cú hích chớp mặt thời đại dịch.