Những ai không nên lái xe?

Theo các bác sỹ, những người mắc bệnh hen suyễn ngồi lâu trong máy lạnh hoặc mở cửa cho thoáng nhưng gặp lúc kẹt xe, hít phải nhiều khói bụi đều dễ gây kích thích, co thắt phế quản gây khó thở, không làm chủ được tay lái, dễ gây nguy hiểm cho chính người lái xe và những người khác trên xe.
Người mắc bệnh hen suyễn khi uống thuốc giãn phế quản có thể bị tác dụng phụ của thuốc này là run tay nên cũng không an toàn khi lái xe.
Car.jpg

Người bị suy tim khi ngồi lái xe lâu, mệt mỏi sẽ dễ gây suy tim cấp, gây ứ trệ tuần hoàn phổi, gây phù phổi, khó thở. Một bệnh lý khác cũng không an toàn cho người cầm lái là rối loạn nhịp tim. Có hai loại rối loạn nhịp tim thường xuyên (bệnh rung nhĩ) và rối loạn không thường xuyên.
Người bị rối loạn nhịp tim thường xuyên khi lái xe liên tục sẽ làm bùng phát những cơn rối loạn nhịp, tim đập không đều dễ gây tắc mạch não, đột quỵ, ngưng tim. Người bị rối loạn không thường xuyên như cơn rung nhĩ, cơn nhịp nhanh kịch phát, rung thất, ngoại tâm thu cũng dễ gây ngưng tim khi ngồi lâu, mệt mỏi. Ngồi lái xe lâu, gây mệt mỏi cũng là yếu tố thuận lợi để những người mắc bệnh mạch vành dễ khởi phát nhồi máu cơ tim cấp (còn gọi là đột quỵ tim).
Những người có tiền sử các cơn co giật, mắc bệnh động kinh cũng không nên ngồi sau vô-lăng quá lâu. Khi đó, người bệnh sẽ có cơn co giật hoặc co cứng cơ, hoặc mất ý thức thoáng qua sẽ rất nguy hiểm khi đang lái xe. Những người có bệnh lý đột quỵ: tiền sử có những cơn thiếu máu thoáng qua hoặc tê yếu nửa người, hoặc từng bị đột quỵ nhẹ (yếu chân, yếu tay...) một lần nhưng vẫn sinh hoạt bình thường đều dễ bị tái phát đột quỵ nhồi máu não hay xuất huyết não tái phát.
Ngoài ra, những người bình thường nhưng đang dùng một số thuốc gây tác dụng buồn ngủ cũng cần lưu ý khi lái xe, cần được bác sĩ tư vấn với những thuốc kê toa và dược sĩ ở nhà thuốc tư vấn với những thuốc không cần kê toa.
Thảo Anh (TTTĐ)
 
Back
Top