Nhiều hứa hẹn ở thị trường môtô phân khối lớn

Tiểu Long

Chuyên gia
honda-moto.jpg
Thị trường đã xuất hiện nhiều thương hiệu môtô PKL nổi tiếng thế giới song vẫn chỉ ở dạng tiềm năng.[/i]
Trước đây, việc một cá nhân sở hữu và sử dụng chiếc môtô phân khối lớn (PKL) thậm chí còn nhận được những cái nhìn ngưỡng mộ từ những người xung quanh hơn là chiếc ôtô. Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này. Đó là bên cạnh vấn đề giá bán không thua kém gì một chiếc ô tô phổ thông thì mỗi cá nhân muốn sử dụng môtô PKL còn phải đáp ứng những điều kiện khắt khe về pháp lý, cụ thể là giấy phép lái xe hạng A2.
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 38/2013, từ năm 2014, giấy phép lái xe hạng A2 đã bắt đầu được cởi trói. Theo đó, mọi người dân đều có thể được cấp giấy phép thay vì chỉ bó gọn trong một số đối tượng cụ thể như các lực lượng thuế vụ, hải quan, kiểm lâm, các lực lượng vũ trang hay các tổ chức, cá nhân hoạt động thể thao…
Tuy nhiên, trái với những dự báo tại thời điểm đó, kể từ khi giấy A2 được cởi trói cho đến nay, dù thị trường đã xuất hiện nhiều thương hiệu môtô PKL nổi tiếng thế giới song vẫn chỉ ở dạng tiềm năng.
Nếu như Harley Davidson, Ducati, Triumph hay BMW Motorrad chỉ đang gói gọn ở những mảng rất nhỏ của thị trường dành cho giới sành môtô thực thụ thì những thương hiệu được xem là phổ thông hơn vẫn còn rất dè dặt.
Trên thực tế, ngoài những thương hiệu kể trên, thị trường môtô Việt Nam cũng đã chào đón những thương hiệu khác như KTM, Kawasaki hay Suzuki được vài năm. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện, các thương hiệu này vẫn chưa thể tạo nên tiếng vang trên thị trường. Bởi vậy, thị trường và người tiêu dùng sẽ phải trông chờ nhiều hơn vào các thương hiệu khác, phổ thông hơn và kinh doanh bài bản hơn.
Giữa tháng 5/2018, liên doanh Honda đã cùng lúc đưa về Việt Nam 9 mẫu môtô khác nhau đồng thời với việc đưa vào hoạt động đơn vị phân phối chuyên nghiệp đầu tiên của mình.
Tương tự Suzuki hay Kawasaki, Honda cũng chỉ là một thương hiệu môtô, xe máy đơn thuần. Nhưng sự xuất hiện của Honda, một ông lớn trong ngành xe máy, lại đem lại nhiều kỳ vọng và được xem như kẻ khơi dòng cho cuộc cạnh tranh được dự báo là sẽ sôi động tại thị trường môtô Việt Nam tới đây.
Honda đem lại nhiều kỳ vọng bởi sự khác biệt. Theo nhận định, các mức giá bán lẻ mà liên doanh này áp dụng cho 9 mẫu xe của mình thấp hơn khá nhiều so với giá bán của những mẫu xe tương tự đã có mặt trên thị trường trước đây. Cùng với hoạt động truyền thông và marketing được đầu tư, dịch vụ bán hàng và hậu mãi bài bản của Honda sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và sở hữu môtô hơn. Do đó, không bất ngờ khi ngay trong ngày đầu tiên gia nhập thị trường, Honda đã bán ra 160 chiếc xe, trong đó có 3 chiếc Gold Wing trị giá 1,2 tỷ đồng.
Một kỳ vọng khác được đặt lên vai Honda là vai trò khơi thông dòng chảy môtô phân khối lớn, giúp loại phương tiện này trở nên phổ thông hơn trên đường phố. Mức giá bán lẻ "mềm" của môtô Honda cũng sẽ tạo nên một cuộc chạy đua về giá trên thị trường, từ đó kéo mặt bằng chung xuống thấp để trong mắt nhiều người tiêu dùng, môtô phân khối lớn không còn là loại phương tiện đắt đỏ.
Bên cạnh đó, vai trò khơi dòng của Honda cũng sẽ giúp những thương hiệu phổ thông khác như Suzuki, Yamaha hay Piaggio (Moto Guzzi và Aprilia)… mạnh dạn hơn trong mục tiêu chiếm lĩnh thị trường.
Thời điểm này, thị trường môtô phân khối lớn Việt Nam vẫn chỉ ở quy mô rất nhỏ và theo đó, còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, khả năng bùng nổ của thị trường cũng không nhiều bởi người tiêu dùng vẫn còn gặp trở ngại trong sử dụng.
Nhiều người tiêu dùng cho biết, hiện tại vấn đề về khả năng tài chính và giấy phép lái xe hạng A2 đã không còn là trở ngại lớn nữa. Khó khăn lớn nhất với phần lớn người tiêu dùng môtô lúc này là điều kiện để sử dụng xe. Bởi trên thực tế, khi chưa được phép vận hành ở đường cao tốc thì việc lái một chiếc môtô có động cơ dung tích xi-lanh vài trăm thậm chí đến trên 1.000cc ở các tuyến đường chỉ cho phép tốc độ tối đa 80 km/h rõ ràng là một cực hình.
Theo VnEconomy
 
Back
Top