Đáng chú ý là tính riêng 5 hãng xe lớn gồm Honda, Yamaha, SYM, Suzuki và Piaggio đã bán ra thị trường gần 1,59 triệu chiếc. Đây đều là các hãng xe nằm trong Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMA).
Số còn lại thuộc về một số hãng xe khác, chủ yếu là các thương hiệu môtô phân khối lớn như Ducati, BMW Motorrad, Kymco, Kawasaki, Harley Davidson…
Trong 3 tháng quý 2/2018, nhóm doanh nghiệp xe máy lớn thuộc VAMM cũng đã bán ra thị trường 783.940 chiếc, sụt giảm nhẹ so với quý đầu năm song vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ tăng trưởng 4% tiếp tục thách thức ngưỡng bão hòa tại thị trường xe máy Việt Nam. Một nghiên cứu trước đây của Bộ Công Thương đánh giá, khi tỷ lệ sở hữu xe máy đạt 2 người/1 xe, thị trường xem như đã bước vào ngưỡng bão hòa.
Theo thống kê, hiện tổng dân số Việt Nam đang vào khoảng 93 triệu người, trong khi đó tổng lượng xe máy đang lưu hành đạt khoảng 45 triệu chiếc. Nếu theo tỷ lệ sở hữu thuần túy, rõ ràng dư địa cho thị trường xe máy là vẫn còn.
Tuy nhiên, nếu tính người dân ở độ tuổi lao động (15-64 tuổi) hiện khoảng 55 triệu người thì tỷ lệ sở hữu hiện đang là khá lớn.
Điểm đáng chú ý nữa là sự tăng trưởng của thị trường lại diễn ra trong bối cảnh các hãng xe gần như im hơi lặng tiếng, ngoại trừ trường hợp thay đổi nhà phân phối BMW Motorrad từ Euro Auto sang tập đoàn Trường Hải (Thaco).
Từ đầu năm đến nay, số lượng mẫu xe mới ra mặt thị trường không đáng kể. Honda Future có thế hệ mới song những cải tiến lại không nhận được những tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng. Kymco tung ra mẫu xe AK550 và Piaggio giới thiệu Vespa Sei Giorni song với mức giá lên đến vài trăm triệu đồng, đây đều là những mẫu xe nắm vai trò làm thương hiệu là chủ đạo.
Hiện tại, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 4 thị trường xe máy lớn nhất thế giới, bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Ước tính cả năm 2018, tổng dung lượng thị trường xe máy Việt Nam sẽ đạt khoảng 3,3 triệu chiếc, tăng nhẹ so với năm 2017.
Theo Đức Thọ (VnEconomy)