Khi giá trở thành thứ yếu
Những ngày cận Tết nguyên đán, theo khảo sát của phóng viên, thị trường ôtô đang có vẻ ngoài nhộn nhịp. Nhưng ẩn giấu phía sau đó là sự ức chế không chỉ của người tiêu dùng mà còn của cả các nhà cung cấp bởi tình trạng "cháy" hàng.
Rất nhiều người tiêu dùng tìm đến đại lý để mua xe và đều nhận được một đáp án giống nhau: Hết xe.
Đáng chú ý là tình trạng khan hàng không chỉ diễn ra ở mảng xe nhập khẩu mà còn cả với xe lắp ráp trong nước.
Đối với xe nhập khẩu, trái với kỳ vọng kéo dài suốt cả năm 2017 của người tiêu dùng, thị trường không những không đón nhận cuộc du nhập ào ạt mà lại rất nhỏ giọt.
Đến lúc này, chỉ có vài ba hãng xe "may mắn" nhập được vài lô xe với số lượng rất nhỏ. Đơn cử như Honda nhập được lô 750 chiếc CR-V hay Thaco nhanh tay đem về 358 chiếc BMW và MINI…
Trong khi đó, do thiếu linh kiện nên hoạt động lắp ráp của nhiều nhà sản xuất trong nước cũng bị đình trệ. Ngay cả các hãng xe lớn như Hyundai Thành Công, Trường Hải (Thaco) hay Toyota cũng không đủ xe để giao cho khách hàng.
Theo khảo sát, tình trạng khan hàng diễn ra trầm trọng nhất đối với những mẫu xe đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong khi nhu cầu mua sắm xe trước Tết nguyên đán tăng mạnh thì các hãng xe lại bị hụt nguồn cung.
Dạo một vòng các đại lý Honda tại Hà Nội có thể thấy rõ, không chỉ mẫu xe CR-V nhập khẩu bị thiếu hàng mà mẫu xe lắp ráp trong nước City cũng không sẵn để người tiêu dùng đặt mua. Nhân viên các đại lý Honda cho biết, riêng mẫu xe City thì khách hàng buộc phải chờ đến sau Tết nguyên đán và thời gian giao xe cũng không xác định được do chưa biết khi nào nhà máy mới có xe xuất xưởng.
Thậm chí cách đây nửa tháng, Thaco cũng đã gửi thông báo đến hệ thống đại lý để "quán triệt" ngừng giao dịch đối với 2 mẫu xe bán chạy là Mazda CX-5 và Kia Cerato.
Trước tình trạng khan hàng, nhiều khách hàng có mặt tại các đại lý ôtô thừa nhận lúc này có xe để mua hay không mới quan trọng chứ giá cả đã trở thành thứ yếu.
"Tôi đã sai lầm khi không mua xe từ năm ngoái vì muốn chờ sang năm nay để mua xe giá rẻ. Ai ngờ bây giờ tôi đề nghị trả thêm tiền để lấy xe trước Tết nhưng họ đều lắc đầu", anh Nam ở Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ.
Một khách hàng từ Bắc Giang tìm xuống Hà Nội để mua chiếc Honda CR-V nhập khẩu nguyên chiếc. Đi một lượt, anh tỏ ra mệt mỏi: "Giá xe này đã bị đội lên so với dự kiến cả trăm triệu. Vậy mà khi tôi thậm chí đã đề nghị "lót tay" cho nhân viên bán hàng nhưng họ vẫn lắc đầu. Họ giải thích là chỉ có một số ít xe được nhập về nên đã bán hết, hiện không còn xe để bán mà xe nhập mới cũng chưa biết khi nào mới có".
Tình trạng người tiêu dùng "đòi" chi thêm tiền chênh lệch để mua xe đã không còn là chuyện hiếm. Phổ biến nhất là với những mẫu xe được các hãng nhập khẩu với số lượng ít như Toyota Land Prado, Ford Explorer hay thậm chí là Honda Civic. Thậm chí mẫu xe bán tải đắt khách nhất thị trường Ford Ranger cũng rơi vào cảnh khan hàng khiến người tiêu dùng sốt sắng chi thêm tiền để ký hợp đồng.
Đối với nhiều người tiêu dùng, đây có lẽ là bối cảnh bất ngờ bởi chỉ cách đây một tháng đổ về trước, tức trong năm 2017, tâm lý chờ đợi đến năm 2018 để mua xe giá rẻ đã bao trùm lên toàn thị trường. Chính tâm lý này đã khiến tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường bị kéo tụt xuống cho dù mặt bằng giá các loại xe phổ thông trong năm 2017 đã xuống rất thấp.
Trái hẳn với sự thờ ơ với giảm giá của năm 2017 để chờ đợi một viễn cảnh không rõ ràng của năm 2018, lúc này, với nhiều người tiêu dùng, giá đã trở thành thứ yếu mà quan trọng nhất là có xe để mua hay không.
"Vỡ trận" vì khan hiếm nguồn cung
Nghịch cảnh của thị trường ôtô những ngày ngày được nhận định là xuất phát từ những chính sách được ban hành từ cuối năm 2017 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Cụ thể, vào tháng 10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 với các quy định mới liên quan đến mặt hàng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc và Nghị định 125 trong đó có điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô.
Đầu tiên là Nghị định 116. Theo nghị định này, ngoài yêu cầu về các hạng mục tiêu chuẩn như nhà xưởng dịch vụ và đường thử… mà các doanh nghiệp ôtô phải đáp ứng còn có 2 quy định khác đang cản trở "đường vào" của ôtô nhập khẩu là yêu cầu phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại và yêu cầu kiểm định đối với từng lô xe nhập khẩu.
Ngay sau khi Nghị định 116 được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng về những khó khăn, thậm chí là nghịch lý bởi các nước trên thế giới không có loại giấy tờ như Nghị định 116 yêu cầu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác lại cho rằng các tập đoàn ôtô thế giới có thể đáp ứng được các thủ tục theo yêu cầu. Vấn đề ở chỗ, trước khi có thông tư hướng dẫn cụ thể, doanh nghiêp không biết biết xoay sở thế nào.
Một quy định nữa đang gây khó cho ôtô nhập khẩu là yêu cầu kiểm định. Cụ thể theo quy định mới, mỗi lô xe nhập khẩu bất kể số lượng bao nhiêu và dù cùng một chủng loại, cùng một đời xe với các thông số giống nhau đều phải tiến hành kiểm định. Các doanh nghiệp tính toán, nếu thực hiện quy định này, mỗi lô xe khi nhập khẩu về sẽ mất thêm chi phí tương đương khoảng 10.000 USD và thời gian chờ trên dưới 2 tháng trước khi có thể bán ra thị trường.
Mặt hàng xe lắp ráp trong nước có phần bớt… bi đát hơn. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 125 trong đó áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với một số loại linh kiện ôtô trong vòng 5 năm, vài hãng xe đã lập tức giảm giá bán lẻ theo thuế linh kiện mới để kích cầu.
Tuy nhiên, động thái giảm giá bắt đầu diễn ra phổ biến từ tháng 11/2017 đã gần như không tác động gì đáng kể lên thị trường ngoài hiệu quả truyền thông.
Bằng chứng chính là tình trạng khan hàng thời điểm này. Nguyên nhân được các hãng xe thừa nhận là do chờ đợi nhập khẩu linh kiện theo thuế suất 0% nên hoạt động lắp ráp cũng phải chậm lại. Khi hoạt động sản xuất, lắp ráp ngừng lại để chờ linh kiện thì đương nhiên, lượng xe xuất xưởng sẽ giảm mạnh khiến cho thị trường bị thiếu hụt nguồn cung.
Khi thuế nhập khẩu ôtô từ các nước nội khối ASEAN giảm về 0%, lẽ ra thị trường sẽ có một mùa sôi động. Thế nhưng, hai chính sách mới đã gián tiếp khiến cho thị trường "vỡ trận" bởi tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Theo Đức Thọ (VnEconomy)