Muốn tăng phải kích!

baoduy-autodaily

Thành viên tích cực
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng lượng ô tô bán ra trong tháng 11 đạt 10.148 chiếc, giảm 1% so với tháng 10/2013 và tăng 6% so với tháng 11/2012. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp số lượng bán hàng của toàn ngành đạt cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính theo thương hiệu, Toyota vẫn đứng đầu về lượng xe bán ra với doanh số 2.767 chiếc, Trường Hải xếp thứ 2 khi tiêu thụ được 2.352 chiếc, Ford giữ vững vị trí thứ 3 với 780 chiếc. Ba vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Honda (709 chiếc), VinaMazda (570 chiếc) và GM (449 chiếc).
Cộng dồn đến hết tháng 11, các thành viên VAMA đã bán ra thị trường 85.061 chiếc, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phân khúc xe đa dụng đạt 20.713 chiếc, tăng 40%; phân khúc xe du lịch đạt 30.020 chiếc, tăng 27,1%; phân khúc xe thương mại đạt 32.803 chiếc.
kich-cau-large.jpg
[/i]Dù sức mua tăng nhưng doanh nghiệp vẫn phải kích cầu
Thị trường ô tô đang trên đà tăng trưởng nhưng các hãng vẫn liên tục tung chiêu kích cầu mua sắm. Liên tiếp từ tháng 11 đến nay, hầu hết các thương hiệu ô tô có mặt tại Việt Nam như Toyota, Honda, Nissan, GM, Mitsubishi, Mazda, Kia, Suzuki... đều áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán. Trong đó, Trường Hải (Thaco) cùng lúc thực hiện hai chương trình tặng quà có giá trị (máy tính bảng iPad, điện thoại Samsung, máy ảnh Sony...) cho khách mua các dòng xe thương hiệu Mazda và Kia.
Toyota, hãng có số lượng xe bán ra hơn 1/3 thị trường rất ít khi thực hiện khuyến mãi, nhưng tháng 12 này cũng tuyên bố tặng thẻ xăng trị giá 6 triệu đồng cho khách mua xe Altis. Không tặng quà, thương hiệu ô tô đến từ Mỹ GM hạ giá bán hàng loạt các mẫu xe, với mức từ 15-30 triệu đồng.
Vina Star, đơn vị phân phối xe Mitsubishi hạ mạnh mức giá bán ra khi giảm đến 30-60 triệu đồng cho hai dòng xe Mitsubishi Pajero Sport và pick up Triton. Suzuki dù chỉ có một dòng xe du lịch duy nhất là Swift nhưng cũng áp dụng chính sách giảm giá 30 triệu đồng trong tháng 12.
Vì sao thị trường đang tăng trưởng nhưng các hãng phải kích cầu mua sắm? Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân khiến nhà kinh doanh phải tính toán giảm bớt lợi nhuận để khuyến mãi.
Thứ nhất, mặc dù thị trường tăng trưởng nhưng mức tăng vẫn chưa đúng với tình hình thực tế. Thông thường, thời điểm này số lượng bán ra tăng rất mạnh vì nhu cầu sắm sửa xe chuẩn bị đón Tết tăng.
Thứ hai là trước đó, vào cuối tháng 10, các doanh nghiệp đã liên tiếp tung ra hàng loạt các mẫu xe mới và tính ra, mỗi hãng đều có "dòng xe mới chiến lược" của mình. Với lượng xe mới tung ra như thế, doanh số bán hàng phải tăng gấp đôi nhưng thực tế lại không như vậy.
Trong tháng 11, tuy doanh số chung có tăng nhưng ở một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn thì số lượng xe bán ra lại giảm. Toyota Việt Nam trong tháng 11 chỉ bán được 2.767 xe, giảm 434 xe so với tháng trước đó; Ford Việt Nam bán ra được 780 xe, giảm 110 xe; GM Việt Nam bán ra được gần 450 xe, giảm gần 10 xe...
Thứ ba là cạnh tranh cuối năm nên cách doanh nghiệp đều muốn đẩy hàng càng nhanh càng tốt. Muốn vậy, không có cách gì tốt hơn là tăng cường khuyến mãi, giảm giá bán.
Thị trường tuy có những bất thường nhưng các doanh nghiệp vẫn tin tưởng sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán. Bởi, chủ trương giảm phí trước bạ ô tô của Chính phủ đã phần nào kích thích thị trường ô tô, đặc biệt là từ ngày 1/1/2014, khi TP.HCM áp dụng mức 10% thì sức mua sẽ còn tăng mạnh. Và như vậy, thị trường ô tô sẽ cán đích ở con số 109.000 xe, cao hơn dự báo hồi đầu năm 9.000 xe.
Theo Bá Tiến (doanhnhansaigon.vn)
 
Back
Top