Hình thành “sếu đầu đàn” để dẫn dắt công nghiệp ô tô

Littlesnake

Administrator
Staff member
Cần hình thành và hỗ trợ những con “sếu đầu đàn” là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, để làm chủ và dẫn dắt thì công nghiệp ô tô phát triển bền vững.

Phụ thuộc vào nước ngoài

Theo số liệu của Bộ Công thương, cả nước hiện có gần 400 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô. Trong số này có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe và 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện. Số lượng nhà cung cấp linh kiện cấp 1 chưa tới 100 doanh nghiệp, còn nhà cung cấp cấp 2 và 3 chưa tới 150 doanh nghiệp. Chiếm tỷ lệ áp đảo trong số này là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

che-tao-khung-xe-tai-nha-may-o-to-vinfast-hai-phong-.jpg

Chế tạo khung xe tại nhà máy ô tô VinFast ( Hải Phòng)​

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vào năm 1995, có 11 hãng ô tô trên thế giới xin đầu tư vào Việt Nam để lắp ráp xe. Nhà đầu tư nào cũng cam kết sẽ nội địa hóa, chuyển giao công nghệ và xuất khẩu… Trên cơ sở những cam kết đó, Chính phủ Việt Nam đã cung cấp ưu đãi lớn cho nhà đầu tư. Lúc đó, tất cả đều có một niềm tin là ban đầu chỉ lắp ráp, nhưng từ đây, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng lên. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành nhà cung ứng cho họ, sẽ học hỏi được các kỹ năng lao động, quản lý và nhận chuyển giao công nghệ, để hình thành ngành công nghiệp ô tô.

Nhưng thực tế thì phần lớn các nhà đầu tư lại kéo doanh nghiệp hỗ trợ của họ từ nước ngoài vào và cũng được hưởng ưu đãi lớn. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam có quy mô và tiềm lực nhỏ bé, lại không được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nên không cơ hội phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng.

Công nghiệp ô tô là một trong những trụ cột quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ô tô là sản phẩm được cấu thành từ hàng chục nghìn linh kiện, được sản xuất từ nhiều ngành nghề khác nhau như cơ khí, điện tử, thép, cao su, nhựa… với những công nghệ khác nhau, từ trung bình đến cao cấp. Công nghiệp ô tô tạo ra liên kết đầu vào, đầu ra rộng lớn, là khách hàng của nhiều ngành sản xuất, nên có sức lan tỏa rất lớn. Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực, thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển và ảnh hưởng lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đến nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp nước ngoài. Khi thị trường ô tô mở cửa hoàn toàn vào năm 2030, với thuế nhập khẩu về 0%, nếu các nhà đầu tư rút đi, chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối, sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra hiện tượng “giải trừ công nghiệp”.

Hình thành “sếu đầu đàn"

Tại Việt Nam hiện đã hình thành một số trung tâm công nghiệp ô tô lớn do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Công ty Trường Hải đã xây dựng khu phức hợp tại Chu Lai (Quảng Nam) với công suất 100.000 xe/năm, có tỷ lệ nội địa hóa từ 25-40%. Trường Hải đã lên kế hoạch đưa tỷ lệ nội địa hóa các mẫu xe du lịch lên 45%, với những linh kiện, phụ tùng mà Việt Nam có lợi thế.

cnht1.jpg

Sản xuất các chi tiết nhựa cho ô tô tại Công ty Trường Hải ( Quảng Nam)​

Công ty VinFast đã định hình 2 trung tâm công nghiệp ô tô lớn tại Hải Phòng và Hà Tĩnh. Nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng có công suất 250.000 xe/năm, có thể nâng lên 900.000 xe/năm. Tại đây VinFast đang hình thành cụm công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp linh kiện. Tại Hà Tĩnh, VinFast mới khởi công Nhà máy ô tô hiện đại với công suất 300.000 xe/năm, có thể nâng lên 600.000 xe/năm. Cũng tại đây VinFast sẽ xúc tiến thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ, cung cấp linh kiện cho lắp ráp ô tô và xuất khẩu. Hiện ô tô của VinFast đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60%, sẽ tăng lên 84% vào năm 2026.

Để công nghiệp ô tô vươn lên, “bệ đỡ” quan trọng nhất hiện nay là chính sách. Các doanh nghiệp đang chờ đợi Chính phủ ban hành hệ thống chính sách phát triển ngành ô tô mang tầm dài hạn, thông qua các giải pháp hỗ trợ đủ mạnh, đảm bảo thực thi có hiệu quả.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần hình thành và hỗ trợ những “sếu đầu đàn” là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, để làm chủ và dẫn dắt thì công nghiệp ô tô mới phát triển bền vững.

Bộ Công thương đưa ra dự báo, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô từ 1-1,1 triệu xe vào năm 2030 và đến 2045 sẽ đạt khoảng 5 -5,7 triệu xe/năm. Trong khi đó, dự báo của Ngân hàng Thế giới cho biết, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1,5 triệu xe vào năm 2035, sau đó tăng trưởng theo cấp số nhân, đạt 6,8 triệu xe vào năm 2050. Trong giai đoạn 2035-2050 tổng doanh số bán ô tô toàn thị trường đạt gần 54 triệu xe các loại.

Bộ Công thương đặt mục tiêu, đến năm 2030 tổng sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 600.000 - 700.000 chiếc, tỉ lệ nội địa hóa đạt 55% - 60%. Đến 2045 tổng sản lượng xe nội địa đạt từ 4 - 4,6 triệu chiếc/năm, tỉ lệ nội địa hóa đạt 80% - 85%. Với quy mô thị trường ô tô tiềm năng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để phát triển.

Theo Trần Thủy (Diễn đàn doanh nghiệp)
 
Back
Top