Cơ hội cho công nghiệp ôtô Việt Nam

Tiểu Long

Chuyên gia
Chỉ tính riêng tháng 1-2014, Honda Ô tô nói riêng và một số thương hiệu khác nói chung đã đạt doanh số bán hàng kỷ lục. Trước những thách thức cũng như cơ hội đang đến, rất cần những thay đổi trong nhận thức và hoạch định chính sách để giúp ngành công nghiệp ô tô đứng vững và phát triển.
Cong-ty-oto.jpg
Lắp ráp ô tô tại Công ty Vinaxuki. Ảnh: Huy Hùng[/i]
Những ngày đầu năm nay, người tiêu dùng đón nhận tin vui, đó là việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số loại ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực Đông Nam Á xuống còn 50% và mức lệ phí trước bạ mới các loại ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu cũng đồng loạt giảm xuống 10% trên cả nước (Hà Nội là địa phương áp dụng mức thu cao nhất 12%). Thông tin này đã gây được hiệu ứng tích cực. Khác với tình hình của những năm trước, khách hàng mua ô tô phải đặt hàng chờ đợi sau đó mới được lấy xe, vào những ngày đầu năm 2014, các nhà sản xuất và phân phối đồng loạt tung các chiêu kích cầu với những mẫu xe mới, phiên bản mới và những chương trình khuyến mãi hấp dẫn khiến thị trường ô tô trong nước có dấu hiệu hồi phục trở lại. Trong đó, Honda Ô tô đạt doanh số bán hàng kỷ lục, với 803 xe giao đến khách hàng trong tháng 1-2014. Đây là kết quả bán hàng cao nhất kể từ ngày thành lập của Honda Ô tô (phá vỡ kỷ lục đứng vững 6 năm liên tiếp - 790 xe vào tháng 6-2008). Doanh số bán hàng này đã giúp Honda giữ vững vị trí số 3 về doanh số bán hàng xe du lịch trong tháng theo số liệu tổng kết của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Trong đó có dấu ấn không nhỏ của hai mẫu xe Honda CR-V 2013 và Honda City. Riêng với mẫu xe Honda CR-V, được giới thiệu đến khách hàng Việt Nam vào tháng 12-2008 và sau 5 năm (tháng 3-2013), Honda CR-V thế hệ thứ tư hoàn toàn mới được trình làng và mẫu xe thành thị hiện đại này đã trở thành mẫu SUV 5 chỗ bán chạy nhất thị trường liên tục trong các tháng.
Nếu như năm 2013, Honda CR-V khẳng định vị trí tiên phong tuyệt đối trong dòng xe SUV 5 chỗ với tổng cộng gần 2.200 xe bán ra, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2012, thì riêng trong tháng đầu tiên của năm 2014, Honda CR-V tiếp tục giữ vững ngôi "vương" trong phân khúc này với 356 xe được bán ra - kết quả bán hàng cao nhất của Honda CR-V kể từ khi được giới thiệu tại thị trường Việt Nam cho đến nay. Bên cạnh đó, mẫu xe Honda City - doanh số bán hàng tháng 1-2014 cao nhất trong phân khúc sedan cỡ nhỏ, với 415 xe. Như vậy, sau 8 tháng có mặt trên thị trường, đã có gần 1.900 xe City được giao đến tay khách hàng. Những kết quả này là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Honda Việt Nam nhằm đem đến thêm nhiều niềm vui và sự hài lòng cho khách hàng khi chinh phục những cung đường mới cùng các sản phẩm mang thương hiệu Honda. Không chỉ ô tô Honda mà các thương hiệu khác như Toyota, Ford… cũng đều có mức bán hàng tăng đáng kể trong tháng 1-2014.
Theo Bộ Công thương, ngành công nghiệp ô tô đã đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu ô tô trong nước theo mục tiêu đề ra về mặt số lượng (xe sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu). Tuy nhiên, trên thực tế công nghiệp ô tô trong nước mới chỉ phát triển ở chiều rộng với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia, chứ chưa có những đầu tư chiều sâu, nhất là về phát triển công nghiệp hỗ trợ, do đó tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, chỉ đạt trên dưới 10% đối với xe du lịch. Mặc dù hiện có 38/56 DN lắp ráp ô tô là thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nhưng các DN ô tô "thuần Việt" khó có thể cạnh tranh được với DN FDI, bởi các DN trong nước chủ yếu lắp ráp các loại xe thương mại như xe tải nhỏ, xe khách, xe bus... có giá bán không cao, công nghệ đơn giản.
Năm 2018 là thời điểm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ bằng 0%, người tiêu dùng có thể mua các loại xe nhập khẩu từ các nước khác trong khu vực với giá rẻ hơn xe nội. Vì thế, muốn tồn tại thì các nhà sản xuất ô tô trong nước phải nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tăng tỷ lệ nội địa hóa, đưa ra thị trường những dòng xe phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Dự thảo "Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô ở Việt Nam - Định hướng đến năm 2020 tầm nhìn 2030", đã xác định bên cạnh việc tiếp tục có những ưu đãi cho các nhà sản xuất, cần tập trung vào các chính sách nhằm kích cầu thị trường, từ đó giúp nhà sản xuất có điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Quy hoạch mới của ngành ô tô cũng đề ra yếu tố phải đạt tỷ lệ nội địa hóa đến mức nào theo các tiêu chuẩn cụ thể. DN nào đủ điều kiện mới được tham gia thị trường. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tập trung rà soát lại các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách về thuế, kèm theo các tiêu chí, điều kiện rất cụ thể, bảo đảm khả thi và có tính ổn định, lâu dài (phù hợp với các cam kết quốc tế)…
Theo Mai Linh (Hà Nội mới)
 
 
Back
Top