Báo Mỹ: 'Xe VinFast liệu có thể hút khách?'

haiyen-autodaily

Chuyên gia
Gần một tháng trước thời điểm triển lãm ôtô Paris 2018 diễn ra (4-14/10), nơi VinFast, thương hiệu xe hơi non trẻ của Việt Nam sẽ ra mắt hai mẫu xe đầu tiên. Thông tin này xuất hiện nhiều trên các trang báo quốc tế Autonews, Carscoops, Caradvice, Forbes... Trong đó CNBC, chuyên trang tài chính kinh tế nổi tiếng của Mỹ phân tích về tham vọng của hãng xe Việt.
vinfast-suv3-4fronte-composite-def-edit-1.jpg
Ảnh thiết kế mẫu SUV đầu tiên của VinFast. 
Trong bài viết, cây bút Paul A. Eisenstein, người có hơn 30 năm kinh nghiệm theo dõi ngành công nghiệp ôtô thế giới tỏ ra hào hứng với cái tên mới trên bản đồ bốn bánh, đặc biệt lại xuất phát từ Việt Nam, nơi có nền công nghiệp còn manh nha, chưa phát triển. Tuy vậy, Paul cũng đặt ra câu hỏi ở khâu bán hàng, liệu sản phẩm của hãng làm cách nào để hút khách ở đất nước với 93 triệu dân, nhưng thị trường tiêu thụ xe hơi khiêm tốn, khoảng 300.000 xe/năm. Hơn nữa các hãng xe nước ngoài đang thống trị thị trường, đặc biệt xe Nhật và Hàn Quốc.
Lê Thủy, nữ chủ tịch VinFast kiêm phó chủ tịch Vingroup nói rằng, thu nhập của người dân ở các thành phố lớn cao lên đáng kể trong những năm qua. Đó là cơ sở để VinFast tự tin vào tiềm năng của thị trường cũng như năng lực sản xuất 250.000 mỗi năm không bỏ phí. Thực tế con số này tương đương 38 xe lăn bánh khỏi dây chuyền mỗi giờ, thấp hơn mức trung bình của thế giới. Rõ ràng VinFast cần cải thiện nhiều thứ để đạt đến con số 60 xe hoàn thiện mỗi giờ ở nhà máy.
Paul phân tích, những kế hoạch của VinFast đang tập trung cho thị trường nội địa. Với chỉ số GDP tăng trưởng 6-7% hàng năm, tiêu thụ ôtô được dự đoán tăng cao trong những năm tới. Các quan chức của công ty đang tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu, chủ yếu nhắm đến thị trường Đông Nam Á. Nhà máy đủ khả năng đáp ứng gấp đôi nhu cầu hiện tại của thị trường.
-dsc6069-copy.jpg

Jim DeLuca, CEO của VinFast, chỉ mỉm cười khi ai đó hỏi rằng, liệu tham vọng của VinFast là viển vông? DeLuca đã có một thập kỷ cống hiến cho General Motors ở Hàn Quốc và Trung Quốc trước khi nghỉ hưu vào 2016. Ông nhận được lời mời bất ngờ từ Vingroup vào năm ngoái. Thời gian nghỉ hưu ngắn ngủi với DeLuca đã hết vào thời điểm đó.
Thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Đông Nam Á đang trở thành điểm đến đáng chú ý nhất của các hãng xe trên thế giới vì tiềm năng doanh số. Vì vậy, các hãng xe địa phương luôn là trở ngại với các "ông lớn" trên thế giới. Để tiếp cận thị trường, có nhiều cách trong đó nhiều hãng xe đại lục đi theo định hướng sao chép thiết kế, vay mượn công nghệ. Nhưng cũng có trường hợp khác như thương hiệu Proton của Malaysia, gặp nhiều khó khăn với vị thế của một hãng xe non trẻ.
Với những công ty tên tuổi trên thị trường, từ một sản phẩm ý tưởng đến thương mại thông thường tốn 4-6 năm, trong khi VinFast lại chỉ muốn con số hai năm. "Chúng tôi hoàn thành một việc trong 24 giờ trong khi những công ty làm thuê (OEM) cần 60 tháng", DeLuca ví von chiến lược phát triển của VinFast.
Để rút ngắn quá trình, hãng có danh sách dài các đối tác, bao gồm ABB, Bosch, Maga Steyr, Siemens. VinFast cũng mua bản quyền từ BMW để sử dụng lại cấu trúc cơ bản, nền tảng khung gầm cho hai sản phẩm đầu tiên sắp ra mắt.
Giới truyền thông ở cả Việt Nam và nước ngoài đồn đoán về hai mẫu xe mới là bản mua bản quyền và chỉnh sửa (Rebadging) từ xe của BMW. Nhưng Dave Lyon, một cựu quan chức của GM, hiện đứng đầu bộ phận thiết kế của hãng xe Việt, quả quyết các sản phẩm của VinFast "sẽ không là những bản bắt chước" serie 5 hay X5 của BMW. 
Sau khi tới Việt Nam, DeLuca tập hợp các cộng sự từ châu Âu, châu Á, Mỹ, Australia để đối mặt với thách thức làm thế nào phá vỡ những nguyên tắc truyền thống để tiết kiệm thời gian, chi phí mà không bỏ qua yếu tố chất lượng. Thuê các nhà thiết kế châu Âu như Italdesign, Pininfarina, hỗ trợ từ các đối tác lớn là một hoạt động nhằm mục đích này.
Sản phẩm ban đầu của VinFast là những mẫu xe đắt tiền, nhưng "không nhất thiết phải đắt nhất" theo lời của Shaun Calvert, phó chủ tịch bộ phận sản xuất. Thông điệp này cho thấy tham vọng mà hãng xe Việt hướng tới là phân khúc cao cấp, nhưng mức giá có thể không đắt hơn các đối thủ trên thị trường. Theo giải thích của DeLuca,  ra mắt những sản phẩm đắt tiền là cách VinFast tạo nên dấu ấn ngay từ đầu, chứng tỏ những gì có thể làm.
Tất nhiên những mẫu xe nhỏ hơn, dành cho đối tượng đại trà sẽ xuất hiện sau đó.
Paul cũng dẫn lời nhà phân tích xe hơi độc lập Mike Dunne nói rằng, thị trường xe hơi Việt Nam chưa hẳn tăng trưởng nhanh tới mức khiến VinFast phải làm việc "hết công suất". Với những bước đi đầu tiên, VinFast có lẽ muốn miếng bánh thị phần được chia lại. Những ông lớn đã có vị thế, tất nhiên, cũng sẵn sàng cho cuộc chiến sắp tới.



"Nếu tôi là VinFast, tôi sẽ chọn cả hai mảng thị trường: trong nước và xuất khẩu", Dunne nói, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. 
Trước mắt VinFast vẫn còn nhiều việc phải làm, theo De Luca. Nếu VinFast ý thức được những gì mình có, công ty có thể nghĩ đến những cơ hội lớn hơn. Châu Âu, thậm chí Mỹ, những thị trường có thể mở rộng dù thách thức là không nhỏ.
"Tất nhiên điều đó quả là khó khăn. Những đã là tham vọng thì phải thế", Mike Dunne nói.
VINFAST thay đổi như thế nào sau 1 năm?
Theo Phạm Trung (Vnexpress)
 
Back
Top