Ngày 3: Mercedes-Benz V-Class Tour 2016

Đến nơi “đón ánh bình minh đầu tiên” trên đất Việt
Nghe “giang hồ đồn”, đi cung đường biển Vũng Tàu – Phú Yên mà không qua mũi Đại Lãnh đón ánh bình minh đầu tiên trên dải đất hình chữ S thì hơi phí. Vì thế, lịch trình của chúng tôi có chút thay đổi. Thay vì ngắm mặt trời lên ở Đầm Môn, cả đoàn quyết định dậy từ 3h sáng chạy xe lên mũi Đại Lãnh.
Hanh%20trinh%20Vclass%20(5).jpg
Ngày thứ 3 trong hành trình với chiếc Mercedes-Benz V-Class của chúng tôi là một ngày dạt dào cảm xúc[/i]
Anh chủ nhà nghỉ trong làng chài Đầm Môn tỏ vẻ ngạc nhiên vì cả đoàn 7 người “hò hét” nhau thức dậy rồi “kéo quân” đi từ lúc gà còn chưa gáy sáng. Chỉ khi chúng tôi nói đi đón bình minh ở ngọn hải đăng Đại Lãnh ngoài Phú Yên thì dấu hỏi to đùng trên đầu anh chủ nhà mới biết mất. Trước khi đi anh còn dặn: “Đường từ đây ra đó không xa, nhưng phải vượt qua Đèo Cả, đường đèo ban đêm khó đi và lắm xe tải nên phải lái xe cẩn thận”.
Chúng tôi “bỏ lại” gần 20 cây số từ Đầm Môn ra quốc lộ 1A một cách chóng vánh vì đường đêm vắng người, lại thẳng băng nên cứ vút ga mà “phóng”. Ra đến “Đường 1”, rẽ phải, đi vài trăm mét đường nữa thì “bắt gặp” Đèo Cả. “Con đèo” phân chia 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên và là một trong những con đèo hiểm trở nhất trên tuyến quốc lộ Bắc – Nam.

_DSC4600-copy.jpg
_DSC4613-copy.jpg
Mercedes-Benz V-Class "chờ" chúng tôi từ sớm mai để đi đón bình minh ở một nơi đặc biệt[/i]

Đèo Cả dài tới 12km. Mới gần 4h sáng mà từng đoàn xe tải, công-ten-nơ xếp hàng dài nối nhau qua đèo. Vừa “rình rập” vượt được chiếc xe tải này thì lại gặp 3-4 chiếc khác đang ì ạch leo dốc. Đó là chưa kể đến những “bạn” xe khách cỡ lớn thường xuyên lấn đường, bật pha sáng chói, đổ đèo rầm rầm. Khó đi là thế, nhưng gồi sau vô-lăng Mercedes-Benz V-Class 220, chúng tôi cũng phần nào yên tâm. Động cơ diesel 2.2 lít đủ khỏe để leo dốc và cũng đủ nhanh để tăng tốc vượt những chiếc công-ten-nơ dài ngoằng. Đèn pha “toàn LED” của V-Class sáng trưng cho chúng tôi một tầm quan sát tốt. Hệ thống an toàn của “Mẹc” thì khỏi nói. Phanh ABS, phanh khẩn cấp BAS, chống trượt khi tăng tốc ASR, ổn định thân xe điện tử ESP hay hệ thống cảnh báo mất tập trung trang bị trên V-Class đều góp phần giúp chúng tôi vượt đèo an toàn.
Hanh%20trinh%20Vclass%20(17).jpg
Chúng tôi qua mũi Đại Lãnh để đón ánh bình minh đầu tiên trên dải đất hình chữ S [/i]
Vừa đi hết Đèo Cả, rẽ phải, đi đường núi ngoằn ngoèo khoảng chục cây số thì đến đích. Từ chân ngọn hải đăng, cả đoàn phải vác thiết bị máy ảnh, máy quay đi bộ thêm 1km nữa mới lên đến nơi. Con đường dẫn lên ngọn hải đăng với những bậc đá quanh co và có hàng rào trắng. Thỉnh thoảng đứng nghỉ, hít một hơi thật sâu, bình yên nghe tiếng sóng biển vỗ về.
Lên đến đỉnh, đã thấy những người lính trông coi ngọn hải đăng thức dậy từ bao giờ. Lượng khách lên đón bình minh ở ngọn đèn biển đặc biệt này hằng ngày khá đông nên đã hình thành cho các anh thói quen dậy đón khách từ rất sớm. Chúng tôi – người tìm hiểu về ngọn hải đăng khi nhờ những người lính ở đây giới thiệu, người tự do lên hải đăng và khám phá những cảnh đẹp nhìn từ trên cao. Từ đây, chúng tôi thấy “mắt biển” chiếu về phía xa hướng dẫn cho tàu bè rồi lặng thinh nghe gió và sóng biển rì rào.
Và rồi, sau dăm mười phút, khi ngoài biển khơi đã xuất hiện đường chân trời phân chia hai nửa: nửa dưới là màu xanh thẫm của biển và nửa trên là sắc đỏ của mặt trời. Đó là lúc bình minh bắt đầu. Sắc đỏ càng lúc càng lên cao, tỏa rộng thì cũng là lúc “chủ nhân” của ánh sáng ấy xuất hiện. Một chút, một nửa rồi tròn vành vạnh. Một đường lấp lánh ánh bạc nối từ đường chân trời đến những vách đá quanh năm sóng vỗ. Đứng trước cảnh thiên nhiên như thế, chúng tôi càng cảm thấy tự hào hơn về nơi mình đang đứng, không chỉ là nơi đón ánh nắng sớm nhất của nước Việt, mà còn là cả Đông Dương và Đông Nam Á lục địa. Tự hào lắm chứ khi là những người đã đặt chân đến điểm cực Đông trên dải đất hình chữ S thân thương.
“In dấu chân” trên “kiệt tác đá”
Mũi Đại Lãnh không chỉ đẹp khi bình minh lên, mà ngay cả thời điểm mặt trời đã chếch trên đầu, “bức tranh kỳ ảo” ấy vẫn mê hoặc lòng người. Vì thế mà chúng tôi cứ nấn ná mãi ở đây, chụp ảnh, ghi hình và ngắm biển. Mãi tới gần trưa, chúng tôi mới rời Đại Lãnh để đến điểm tiếp theo – một nơi cũng hấp dẫn không kém điểm cực đông trên đất liền. Đó là Ghềnh Đá Đĩa.
Hanh%20trinh%20Vclass%20(19).jpg
Mercedes-Benz V-Class Tour 2016 của chúng tôi là chuyến hành trình dọc những cung đường biển đẹp nhất Việt Nam[/i]
Để từ Đại Lãnh ra Ghềnh Đá Đĩa có 2 cách đi. Một là quay trở lại QL 1A đoạn Đèo Cả rồi cứ theo “Đường 1” mà đi. Hai là có thể chọn con đường ven biển Phước Tân – Bãi Ngà đi lên Tuy Hòa rồi mới ra “bãi đá”. Mercedes-Benz V-Class Tour 2016 của chúng tôi là chuyến hành trình dọc những cung đường biển đẹp nhất Việt Nam. Nên theo tiêu chí ấy, cả đoàn chọn cách đi thứ 2, nghĩa là lại tiếp tục men theo biển.Chỉ cần “lăn bánh” vài km, chúng tôi biết mình đã chọn đúng khi con đường ven biển Phước Tân – Bãi Ngà vừa được cải tạo, chất lượng mặt đường cực tốt lại có nhiều cảnh đẹp. Con đường ấy, khi thì vắt vẻo qua những ngọn núi đá ăn lan ra biển, khi thì qua những bãi cát trắng mịn sóng xô êm đềm.
Ngồi trên V-Class 220, chúng tôi được tận hưởng một không gian đầy tiện nghi. Vật liệu da cao cấp, chỗ ngồi thoải mái, không gian để chân rộng rãi, nên dù ngồi suốt trên xe, chúng tôi vẫn có được một cảm giác dễ chịu. Nhờ sử dụng vật liệu cách âm tốt cùng hộp số tự động 7G-Tronic Plus mượt mà, những tiếng ồn của gió và động cơ bên ngoài gần như không thể xâm lấn vào phía trong cabin. Vì thế mà các thành viên trong đoàn mặc sức mà tận hưởng cảnh đẹp hai bên đường.
Chúng tôi cứ đi như thế đến khoảng 3h chiều thì đặt chân tới xã An Ninh Đông, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên – nơi có kiệt tác thiên nhiên Ghềnh Đá Đĩa. Từ điểm gửi xe, mua vé thăm quan, cuốc bộ vài trăm mét nữa, chúng tôi ai nấy đều ngạc nhiên tuyệt phẩm của tạo hóa. Dù đã xem ảnh, hay “ngó” qua tivi nhưng cũng phải tận mắt chứng kiến mới thấy được điều kỳ diệu.
Hanh%20trinh%20Vclass%20(1).jpg
Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên) là một kiệt tác của tạo hóa[/i]
Nhìn từ xa, Ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ, ánh lên màu đen huyền bí nổi bật giữa một vùng trời biển trong xanh. Càng tiến lại gần, chúng tôi càng ngỡ ngàng khi trước mắt hiện ra hàng chục nghìn cột đá có tiết diện hình lục giác, hình vuông hoặc hình tròn, lớp nọ xếp nối lên lớp kia, liền khít nhau như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Có những chỗ đá xếp cao và thẳng, có chỗ lại xếp trải dài hoặc nghiêng, trông như chồng bát đĩa.
Chúng tôi đặt chân lên từng phiến đá và trải nghiệm cảm giác mát lạnh khi từng làn sóng biển xô vào mỏm đá, tung bọt trắng xóa vỗ về lên bàn chân. Leo lên chồng đá cao, tựa lưng vào đó, thả hồn ngắm nhìn biển rộng mênh mông giữa trời xanh gió lộng. Bất giác, bắt gặp hình ảnh những chiếc thuyền thúng nằm nghiêng mình trên những phiến đá. Xa xa, những chiếc thuyền nhỏ nhẹ nhàng lướt trên biển khơi như một nét chấm phá sinh động, tô điểm thêm cho sức sống bao đời nay của vùng đất quanh năm nắng gió này.



Sau những phút giây chẳng muốn rời chân trên Ghềnh Đá Đĩa, chúng tôi quay ra bãi gửi xe toan trở về. Nhưng ma lực ở nơi này thêm một lần nữa “níu giữ” mọi người. Cách bãi xe vài trăm bước, một vỉa đá bằng phẳng nhô ra phía biển “xui” chúng tôi “hạ trại”. Nổi hứng, cả đoàn “rủ” V-Class ở lại. Dựng lều, pha cà phê, rồi ngồi ngay bên chiếc xe “Mẹc” mà cùng ngắm biển bao la, cùng nghe tiếng ghi ta “vườn” từ anh bạn đồng nghiệp.
Đó là khoảnh khắc mà cảm xúc của chúng tôi như vỡ òa vì được hòa mình với thiên nhiên, hòa mình với “bao la cuộc sống”. Và đó. Đó cũng chính là khoảnh khắc chúng tôi kết thúc cuộc hành trình cùng Mercedes-Benz V-Class. Cảm ơn “anh bạn Mẹc”, cảm ơn “người bạn đồng hành” đã cùng chúng tôi có một chuyến đi an toàn, thoải mái và đầy ấn tượng.
Một số hình ảnh ngày 3 Mercedes-Benz V-Class Tour 2016:
Hanh%20trinh%20Vclass%20(17).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(16).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(19).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(9).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(8).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(6).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(5).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(3).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(4).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(2).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(1).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(13).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(12).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(11).jpg

Hanh%20trinh%20Vclass%20(10).jpg

Thế Đạt (Trithucthoidai)Ảnh: Lê Hùng
 
Back
Top