Từng là niềm ao ước của thế giới, các hãng xe Đức đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế

Danmexe

Administrator
Staff member
Ngành công nghiệp ô tô Đức từng được cả thế giới công nhận nhờ những chiếc ô tô động cơ đốt trong chất lượng cao, hiện đại và sang trọng. Việc sở hữu một chiếc ô tô Đức còn được coi là biểu tượng của sự xa xỉ và địa vị xã hội. Và các nhà sản xuất ô tô Đức cũng từng được coi là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế nước này.

Thế nhưng, theo CNBC, bức tranh của ngành công nghiệp ô tô Đức đã trở nên ảm đạm hơn rất nhiều.

xe Duc.jpg

Ví dụ mới nhất về cuộc khủng hoảng xe hơi Đức là những diễn biến tại Volkswagen hồi đầu tháng này. Hãng đã thông báo khả năng có thể sẽ phải đóng cửa nhà máy sản xuất tại quê nhà Đức và thậm chí có thể phải chấm dứt thỏa thuận bảo đảm việc làm với người lao động địa phương đã có hiệu lực tại Đức từ năm 1994.

"Đối với các nhà sản xuất ô tô Đức vốn là những người dẫn đầu thị trường công nghệ xe hơi, không có đối thủ cạnh tranh trong gần 140 năm và hầu như không phải lo lắng về doanh số bán hàng hay áp lực cạnh tranh, thì đây là một tình huống bất thường", Andreas Ries, Giám đốc toàn cầu về ô tô tại KPMG cho biết.

Cũng theo ông Andreas Ries, hiện tại ngành công nghiệp ô tô Đức đang trải qua quá trình chuyển đổi lớn nhất từ trước đến nay.

“Khi ngành công nghiệp ô tô Đức bị ho, nước Đức liền bị cảm cúm”

Dữ liệu lịch sử từ Ifo Institute cho thấy niềm tin trong ngành ô tô Đức đã không ổn định trong những năm gần đây. Kết quả nghiên cứu được công bố mới đây cũng chỉ rõ tâm lý toàn ngành trong tháng 8 một lần nữa giảm xuống mức âm 24,7 điểm và kỳ vọng kinh doanh trong vòng 6 tháng tới là "cực kỳ bi quan".

Thực tế, Volkswagen cũng không phải là hãng xe hơi duy nhất gặp khó khăn.

Trong loạt báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, Mercedes đã cắt giảm dự báo biên lợi nhuận thường niên của năm nay, trong khi BMW cho biết biên lợi nhuận của mảng ô tô trong quý II thấp hơn dự kiến. Porsche cũng cắt giảm triển vọng lợi nhuận của năm 2024, mặc dù cho rằng lý do là do thiếu hụt hợp kim nhôm đặc biệt.

Những khó khăn trong ngành công nghiệp ô tô đang tác động lan tỏa đến nền kinh tế Đức nói chung, vốn đã dao động quanh ngưỡng suy thoái trong suốt năm nay và năm ngoái. Tổng sản phẩm quốc nội của Đức trong quý II/2024 đã giảm 0,1% so với quý trước đó.

“Câu nói ‘Khi ngành công nghiệp ô tô Đức bị ho, nền kinh tế nước Đức liền bị cảm cúm”… đã mô tả rất đúng tình hình hiện tại”, ông Andreas Ries nói.

Theo Andreas Ries, ngành công nghiệp ô tô không chỉ bao gồm những công ty lớn mà còn bao gồm hàng nghìn doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trên khắp cả nước. Đây cũng là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của Đức.

“Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức”

Các chuyên gia và tổ chức trong ngành cho biết có nhiều yếu tố đã dẫn đến tình hình hiện tại và đang gây sức ép lên ngành công nghiệp ô tô Đức.

“Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức”, phát ngôn viên của Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA) trả lời phỏng vấn của CNBC nói. Họ cho biết, điều này vẫn bao gồm hậu quả của đại dịch Covid-19, cũng như những tác động từ căng thẳng địa chính trị và các chính sách ở cấp quốc gia và châu Âu.

VDA cho biết sản xuất ô tô cũng bị ảnh hưởng do nhu cầu trong nước suy giảm, do tình hình chung của nền kinh tế Đức vả cả các xu hướng kinh tế vĩ mô rộng hơn cũng tác động đến ngành công nghiệp ô tô.

Tuy nhiên, có hai chủ đề liên tục xuất hiện trong cuộc tranh luận về ngành công nghiệp ô tô Đức là Trung Quốc và sự chuyển dịch sang xe điện.

Horst Schneider, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ô tô châu Âu tại Bank of America, cho biết: "Chúng tôi vẫn đang trong tình trạng rất hỗn loạn vì kinh doanh xe điện kém hơn dự kiến". Ông nhấn mạnh rằng nhu cầu của người dùng với xe điện thấp hơn dự kiến, trong khi cạnh tranh vẫn tăng lên.

Theo ông Schneider, trong khi thị trường ô tô ở Trung Quốc đang phục hồi, các nhà sản xuất ô tô Đức vẫn chưa cảm nhận được nhiều lợi ích từ đà phục hồi đó vì bị các đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần. Đây cũng là vấn đề về giá, vì xe điện của Đức quá đắt, trong khi xe điện Trung Quốc tốt hơn ở một số khía cạnh lại có giá mềm hơn rất nhiều.

Ngoài ra, những căng thẳng xung quanh thuế quan thương mại và thuế nhập khẩu giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng đang đè nặng lên thị trường.

“Các nhà sản xuất Đức rất dễ bị ảnh hưởng bởi chính trị thương mại. Trước đây, khoảng 40-50% nguồn thu của các hãng xe Đức được tạo ra ở Trung Quốc thì nay thị trường này đang dần co lại... Đồng thời, chúng ta có tỷ lệ xe điện cao hơn không có lợi nhuận bằng xe sử dụng động cơ đốt trong”, Schneider cho biết và nói thêm rằng điều này đã tạo ra "vấn đề kép".

“Nếu thu nhập của người dân Trung Quốc vẫn cao như trước đây, chúng ta có thể dễ dàng đối phó với tình thế tiến thoái lưỡng nan về lợi nhuận của xe điện. Nhưng điều đó không xảy ra vì thu nhập của người dân Trung Quốc cũng đang sụt giảm và chúng đè nặng áp lực nên doanh thu và biên lợi nhuận của các hãng xe”, ông cho biết.

VDA cho biết việc chính phủ Đức kết thúc chương trình trợ cấp cho xe điện cũng gây áp lực lên ngành công nghiệp xe hơi nước này.

Tương lai ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ ra sao?

Theo các chuyên gia phân tích, đã xuất hiện một số tia hy vọng giữa hàng loạt thách thức. Ví dụ như công nghệ xe hybrid có thể sẽ được sử dụng lâu hơn dự kiến và doanh số bán ô tô động cơ đốt trong đang có xu hướng tăng trở lại.

Nhưng ông Andreas Ries cho rằng cần có sự phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu để tìm ra các giải pháp nhằm vực dậy ngành công nghiệp ô tô Đức.

Phát ngôn viên của VDA cho rằng: "Chúng ta cần cải cách chính sách thay vì quy định. Thực dụng thay vì quản lý vi mô…Chúng ta cần sự kết hợp hiện đại giữa chính sách kinh tế theo định hướng thị trường và định hình chính sách công nghiệp”.

Cũng theo phát ngôn viên của VDA, các điều kiện thị trường sẽ vẫn đầy thách thức trong ít nhất là năm tới.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Schneider của Bank of America cho biết nhiều nhà sản xuất ô tô vẫn đưa ra ước tính cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh của họ trong nửa cuối năm nay có triển vọng tốt hơn so với nửa đầu năm.

“Điều đó có thể tạo sự nghi ngờ trong bối cảnh hiện nay khi các nhà đầu tư không hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng đó và do đó nỗi sợ hãi là chúng ta sẽ thấy cảnh báo lợi nhuận trong quý 3”, ông Schneider cho biết thêm.

Theo CNBC
 
Last edited:
Back
Top