Nhiều tài xế taxi công nghệ đổi xe xăng sang xe điện

Với mục đích lớn nhất là tiết kiệm chi phí, nhiều tài xế bán xe xăng mới mua để chuyển sang xe điện, nhờ được miễn phí nhiều dịch vụ.

Nhất Anh Tuân (Hà Nội) là tài xế xe công nghệ với thâm niên gần hai thập kỷ. Trước 2023, anh sử dụng nhiều dòng xe chạy xăng từ các hãng Hyundai, Honda, Toyota. Từ 2023 trở đi, anh chuyển sang xe điện với mẫu VinFast VF 5.

"Xe rất tiết kiệm chi phí vận hành. Đây là lý do chính khiến tôi chuyển sang sử dụng xe điện", Tuân nói.

Khi sử dụng xe xăng, ngoài chi phí nhiên liệu, chủ xe phải thực hiện các mục bảo dưỡng định kỳ, như thay dầu, lọc dầu, các phụ gia, linh kiện hao mòn. Đặc biệt đối với tài xế xe dịch vụ, tần suất bảo dưỡng nhiều hơn xe gia đình bởi quãng đường hàng trăm km mỗi ngày. Trong khi đó với xe điện, khi bảo dưỡng chỉ cần thay thế các bộ phận hao mòn như phanh hoặc lốp.

"Trước đây, với xe xăng chạy dịch vụ, chi phí cho việc bảo dưỡng, nhiên liệu mỗi tháng có thể lên đến 10 triệu đồng, có những tháng chạy nhiều thay dầu đến ba lần. Khi chuyển sang xe điện, những chi phí này giảm phần nào, do đó mức thu nhập tăng theo, và tốc độ thu hồi vốn sẽ nhanh hơn", Tuân nói.

xanh.jpg

Xe điện trong trạm sạc tại Hà Nội. Ảnh: Nhất Anh Tuân

Với các tài xế xe công nghệ, mục tiêu lớn nhất là cắt giảm chi phí để tiền về, nên xe điện đang dần trở thành một lựa chọn song song nhiều lợi thế hơn xe xăng. Vũ Huy Tùng, nhân viên bán hàng tại VinFast Hải Phòng, cho biết lượng khách hàng đến mua xe cho mục đích chạy xe dịch vụ ngày càng tăng, nhất là sau thời điểm hãng công bố chính sách miễn phí sạc một năm. Theo anh, lượng khách tham khảo xe điện để chạy dịch vụ (biển vàng) bằng khoảng 50% so với xe cá nhân, trong khi trước đây rất ít người hỏi. Trong khi đó, ở những thành phố có nhu cầu xe dịch vụ cao hơn, như Hà Nội, tỷ lệ này có thể ngang nhau, thậm chí nhiều người mua xe chạy dịch vụ hay chạy cá nhân.

Đại diện một sàn xe cũ lớn bậc nhất Việt Nam cho biết, tỷ lệ xe xăng cỡ B như Accent, Vios bán lướt (đời 2023-2024) tăng nhanh trong thời gian gần đây, trong khi đó những xe điện cũ, tốc độ thanh khoản rất nhanh, dù số lượng còn ít.


Tuy đổi sang xe điện để tiết kiệm chi phí, nhưng một số tài xế cũng cho rằng vẫn phải chấp nhận vài bất tiện của loại phương tiện mới này. Vũ Trung (Lạng Sơn), cho biết khi có khách muốn đi xa, tài xế phải tính toán các điểm dừng sạc hợp lý để đủ pin, trong khi phải đảm bảo không làm mất thời gian của khách hàng. Đặc thù khách hàng ở tỉnh có thể di chuyển khá xa, nên việc căn ke càng trở nên quan trọng.

Tài xế Tuân kể có lần anh nhận khách từ Hà Nội đi Hải Phòng gấp. Xe chỉ còn 30% pin, nếu để khách chờ họ sẽ chuyển qua tài xế khác, nếu đi một mạch đến nơi sẽ không đủ điện. Kiểm tra nhanh điện thoại, anh quyết định nhận khách, và sạc nhanh trong chuyến hành trình.

"Tôi phải kiểm tra trên đường đi còn trống trụ sạc nhanh nào không, và xin khách dừng nghỉ khoảng 15 phút ở trạm dừng chân để nghỉ ngơi kết hợp với sạc, thời gian sạc này cũng giúp xe lên đủ pin để đến Hải Phòng. Sử dụng xe điện sẽ có đôi lúc bất tiện, nhưng chỉ cần tính toán, sắp xếp kỹ hơn một chút, mọi việc cũng đâu vào đấy", Tuân chia sẻ, cho biết thêm cái lợi khi dùng sử dụng xe điện chạy dịch vụ lấn át những mặt hạn chế cố hữu của loại xe này.

Việc tính toán thời gian sạc cho hợp lý, và phải dừng nghỉ để sạc là một trong những điểm khiến tài xế Trung Quân (Rạch Giá) không chuyển sang xe điện, mặc dù các đồng nghiệp của anh đã dần chuyển sang loại xe này. Quân cho biết anh thường xuyên nhận khách đi tỉnh xa, và có thể đi bất cứ giờ nào, chính vì thể xe điện không phù hợp với nhu cầu của anh.

"Sự tiện lợi, nhanh chóng của việc tiếp nhiên liệu là thứ khiến tôi vẫn sử dụng xe xăng để chạy dịch vụ. Điểm cộng lớn nhất mà tôi cung cấp cho khách hàng là có thể sẵn sàng chạy ở bất cứ giờ nào, miễn là họ báo trước. Có nhiều lúc khi kết thúc chuyến đi tỉnh này, tôi phải đón khách đi tỉnh khác, chỉ cần đổ xăng là tiếp tục hành trình, không phải chờ sạc như xe điện. Tôi rất quan tâm về xe điện, nhưng chỉ khi nào trạm sạc chính hãng cũng như bên thứ ba nhiều hơn, tôi sẽ cân nhắc chuyển sang", Quân nói.

Bên cạnh đó, Tuân chia sẻ rằng khi chuyển sang xe điện, việc giữ cái đầu lạnh, và có ý thức cao khi sử dụng trạm sạc công cộng là quan trọng nhất: "Xe xăng chỉ cần vào trạm bơm xăng là có thể đi ngay. Xe điện phải chờ để sạc, có những lúc tôi chờ đến 1-2 giờ mới có trụ trống. Tuy nhiên anh em trong cộng đồng rất hỗ trợ nhau, ai cần sạc gấp thường sẽ được nhường. Tất nhiên là vẫn có nhiều người vô ý thức, sạc đầy rồi đỗ chiếm chỗ. Tôi hy vọng sẽ có nhiều trạm sạc hơn, cũng như ý thức của tài xế khi sử dụng trạm sạc sẽ cải thiện trong tương lai", Tuân nói.

Theo Báo điện tử VnExpress
 
Back
Top