Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ 1/7/2026, đặt ra yêu cầu cấp bách về chuyển đổi phương tiện và hỗ trợ người dân thích ứng.
Ngày 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ thị nêu rõ: UBND TP Hà Nội phải triển khai các giải pháp để từ ngày 1/7/2026, không còn xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe xăng) được lưu thông trong phạm vi Vành đai 1. Đây được coi là một trong những biện pháp mạnh mẽ đầu tiên trong quá trình chuyển đổi giao thông xanh tại đô thị lớn.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cấm xe máy chạy xăng vào khu vực vành đai 1 từ tháng 7/2026. (Ảnh minh họa)
Lộ trình tiếp theo cũng đã được xác lập: từ ngày 1/1/2028, Hà Nội sẽ hạn chế ô tô cá nhân chạy xăng, dầu trong khu vực từ Vành đai 1 đến Vành đai 2; và đến năm 2030, quy định sẽ được mở rộng ra toàn bộ khu vực Vành đai 3, áp dụng với tất cả phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu thành phố hoàn thiện đề án về vùng phát thải thấp trong quý 3/2025, làm cơ sở pháp lý và kỹ thuật để thực hiện các lộ trình chuyển đổi.
Trước đó, Hà Nội từng ban hành nghị quyết về việc thí điểm vùng phát thải thấp tại một số tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình từ năm 2025. Tuy nhiên, việc mở rộng vùng hạn chế phát thải đến toàn bộ khu vực nội đô với các mốc thời gian cụ thể là bước tiến có tính bắt buộc cao hơn, tạo thay đổi trực tiếp đến hành vi sử dụng phương tiện của hàng triệu người dân thủ đô.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, động thái trên cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc giảm phát thải từ giao thông - lĩnh vực vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng phát thải đô thị và là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, tính khả thi của lộ trình đang đặt ra nhiều thách thức cả về hạ tầng, chính sách và năng lực đáp ứng của người dân.
Chia sẻ trên mạng xã hội, ông Lê Ngọc Đức - nguyên Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu chuyển đổi xanh, song nhấn mạnh rằng việc thực hiện cần được đánh giá một cách khách quan và thực tiễn hơn. Ông cho rằng, Hà Nội hiện mới dừng ở cấp độ thí điểm “vùng phát thải thấp”, tức kiểm soát phương tiện theo tiêu chuẩn khí thải, chứ chưa hoàn toàn cấm xe chạy xăng. Việc áp đặt lệnh cấm cứng từ mốc 2026 có thể vượt quá phạm vi điều chỉnh của nghị quyết HĐND và dễ dẫn đến phản ứng xã hội nếu không có lộ trình và cơ chế hỗ trợ đi kèm.
Ông Đức cũng lưu ý rằng, nhiều thành phố lớn trên thế giới như London, Berlin hay Tokyo khi triển khai các vùng phát thải thấp đều áp dụng cách tiếp cận linh hoạt, chủ yếu giới hạn các phương tiện không đạt chuẩn Euro 4/5/6, thay vì cấm tuyệt đối xe chạy xăng dầu. Điều quan trọng là tạo ra áp lực chuyển đổi dần dần, đồng thời để thị trường và người dân có thời gian thích nghi.
Một loạt vấn đề thực tiễn cũng được đặt ra: chi phí sở hữu xe điện hiện vẫn cao so với thu nhập trung bình; trạm sạc công cộng chưa có độ phủ rộng; và nguồn điện tại Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nhiệt điện mà bản thân chưa hẳn là “năng lượng sạch”. Ngoài ra, việc xử lý pin lithium-ion sau vòng đời sử dụng cũng tiềm ẩn rủi ro môi trường nếu không đi kèm giải pháp tái chế phù hợp.
Về công nghệ, thế giới đang dịch chuyển theo hướng trung gian như sử dụng xe lai (hybrid), xe điện sạc ngoài (PHEV) và các phương tiện điện mở rộng tầm hoạt động (REEV), thay vì nhảy vọt lên xe điện thuần túy (BEV). Với Việt Nam, nơi người dân còn phụ thuộc nhiều vào xe máy và hạ tầng giao thông công cộng chưa hoàn chỉnh, việc chuyển đổi đột ngột sang xe điện thuần có thể gây áp lực lớn, đặc biệt với nhóm thu nhập thấp.
Trên thực tế, không ít người dân cũng đang lo ngại về khả năng thích ứng với chính sách. Anh Trần Thạch An, cư dân sống tại đường Trường Chinh (Hà Nội), chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc giảm xe xăng để bớt ô nhiễm, nhưng lộ trình chỉ còn hơn một năm nữa thì người dân như tôi không kịp xoay sở. Mua xe mới là một chuyện, còn sạc điện thì khu tập thể cũ như nhà tôi đâu có chỗ nào an toàn. Nghe nói gần đây cháy nổ từ trạm sạc cũng có, nên càng lo”.
Có thể nói, việc cấm xe xăng trong nội đô Hà Nội là một định hướng lớn trong mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để chủ trương lớn này đi vào cuộc sống, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, kỹ thuật, hạ tầng và đặc biệt là truyền thông hiệu quả với người dân - những người trực tiếp chịu ảnh hưởng và cũng là nhân tố quyết định thành công của chính sách.
Theo diendandoanhnghiep
Ngày 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ thị nêu rõ: UBND TP Hà Nội phải triển khai các giải pháp để từ ngày 1/7/2026, không còn xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe xăng) được lưu thông trong phạm vi Vành đai 1. Đây được coi là một trong những biện pháp mạnh mẽ đầu tiên trong quá trình chuyển đổi giao thông xanh tại đô thị lớn.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cấm xe máy chạy xăng vào khu vực vành đai 1 từ tháng 7/2026. (Ảnh minh họa)
Lộ trình tiếp theo cũng đã được xác lập: từ ngày 1/1/2028, Hà Nội sẽ hạn chế ô tô cá nhân chạy xăng, dầu trong khu vực từ Vành đai 1 đến Vành đai 2; và đến năm 2030, quy định sẽ được mở rộng ra toàn bộ khu vực Vành đai 3, áp dụng với tất cả phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu thành phố hoàn thiện đề án về vùng phát thải thấp trong quý 3/2025, làm cơ sở pháp lý và kỹ thuật để thực hiện các lộ trình chuyển đổi.
Trước đó, Hà Nội từng ban hành nghị quyết về việc thí điểm vùng phát thải thấp tại một số tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình từ năm 2025. Tuy nhiên, việc mở rộng vùng hạn chế phát thải đến toàn bộ khu vực nội đô với các mốc thời gian cụ thể là bước tiến có tính bắt buộc cao hơn, tạo thay đổi trực tiếp đến hành vi sử dụng phương tiện của hàng triệu người dân thủ đô.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, động thái trên cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc giảm phát thải từ giao thông - lĩnh vực vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng phát thải đô thị và là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, tính khả thi của lộ trình đang đặt ra nhiều thách thức cả về hạ tầng, chính sách và năng lực đáp ứng của người dân.
Chia sẻ trên mạng xã hội, ông Lê Ngọc Đức - nguyên Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu chuyển đổi xanh, song nhấn mạnh rằng việc thực hiện cần được đánh giá một cách khách quan và thực tiễn hơn. Ông cho rằng, Hà Nội hiện mới dừng ở cấp độ thí điểm “vùng phát thải thấp”, tức kiểm soát phương tiện theo tiêu chuẩn khí thải, chứ chưa hoàn toàn cấm xe chạy xăng. Việc áp đặt lệnh cấm cứng từ mốc 2026 có thể vượt quá phạm vi điều chỉnh của nghị quyết HĐND và dễ dẫn đến phản ứng xã hội nếu không có lộ trình và cơ chế hỗ trợ đi kèm.
Ông Đức cũng lưu ý rằng, nhiều thành phố lớn trên thế giới như London, Berlin hay Tokyo khi triển khai các vùng phát thải thấp đều áp dụng cách tiếp cận linh hoạt, chủ yếu giới hạn các phương tiện không đạt chuẩn Euro 4/5/6, thay vì cấm tuyệt đối xe chạy xăng dầu. Điều quan trọng là tạo ra áp lực chuyển đổi dần dần, đồng thời để thị trường và người dân có thời gian thích nghi.
Một loạt vấn đề thực tiễn cũng được đặt ra: chi phí sở hữu xe điện hiện vẫn cao so với thu nhập trung bình; trạm sạc công cộng chưa có độ phủ rộng; và nguồn điện tại Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nhiệt điện mà bản thân chưa hẳn là “năng lượng sạch”. Ngoài ra, việc xử lý pin lithium-ion sau vòng đời sử dụng cũng tiềm ẩn rủi ro môi trường nếu không đi kèm giải pháp tái chế phù hợp.
Về công nghệ, thế giới đang dịch chuyển theo hướng trung gian như sử dụng xe lai (hybrid), xe điện sạc ngoài (PHEV) và các phương tiện điện mở rộng tầm hoạt động (REEV), thay vì nhảy vọt lên xe điện thuần túy (BEV). Với Việt Nam, nơi người dân còn phụ thuộc nhiều vào xe máy và hạ tầng giao thông công cộng chưa hoàn chỉnh, việc chuyển đổi đột ngột sang xe điện thuần có thể gây áp lực lớn, đặc biệt với nhóm thu nhập thấp.
Trên thực tế, không ít người dân cũng đang lo ngại về khả năng thích ứng với chính sách. Anh Trần Thạch An, cư dân sống tại đường Trường Chinh (Hà Nội), chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc giảm xe xăng để bớt ô nhiễm, nhưng lộ trình chỉ còn hơn một năm nữa thì người dân như tôi không kịp xoay sở. Mua xe mới là một chuyện, còn sạc điện thì khu tập thể cũ như nhà tôi đâu có chỗ nào an toàn. Nghe nói gần đây cháy nổ từ trạm sạc cũng có, nên càng lo”.
Có thể nói, việc cấm xe xăng trong nội đô Hà Nội là một định hướng lớn trong mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để chủ trương lớn này đi vào cuộc sống, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, kỹ thuật, hạ tầng và đặc biệt là truyền thông hiệu quả với người dân - những người trực tiếp chịu ảnh hưởng và cũng là nhân tố quyết định thành công của chính sách.
Theo diendandoanhnghiep